Mỹ phẩm có tác dụng "điều trị", "trị" như thuốc?
Hiện nay, không khó để người tiêu dùng có thể tìm kiếm và bắt gặp các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm mỹ phẩm tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý, nhiều quảng cáo có dấu hiệu vi phạm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, dễ gây nhiều hiểu nhầm giống như thuốc chữa bệnh.
Đơn cử như các sản phẩm chăm sóc da mụn của thương hiệu mỹ phẩm Meea Organic được quảng cáo tại website //meeaorganic.com/ với các từ ngữ dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là các sản phẩm thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, tại website //meeaorganic.com/ đang bán sản phẩm Cao mụn Sâm Đỏ 36 vị Meea Organic loại lơn 15g với giá từ 209.000 đồng đến 290.000 đồng. Nội dung quảng cáo trên website này nhấn mạnh bộ sản phẩm “trị mụn”, “điều trị”, “đặc trị mụn”… “điều trị dứt điểm tất cả các loại mụn như: Mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn ẩn, mụn viêm đỏ…”, “đặc trị các loại mụn lâu năm, mụn hay bị tái đi tái lại, mụn do nội tiết, mụn dậy thì”.
Cũng tại địa chỉ website trên, sản phẩm Cốt Huyết Thanh Thảo Dược 36 vị mini 5ml Meea Organic đang được bán với giá 180.000 đồng quảng cáo với những lời có cánh như: “Cốt Huyết Thanh – Siêu phẩm trị mụn cả Nam và Nữ đều nên xài”; Serum Cốt Huyết Thanh Thảo Dược 36 vị 10ml Meea Organic “Cốt Huyết Thanh – phương pháp treament Đông y đặc trị mụn, nám, sạm, giải quyết các khuyết điểm trên da mà không bị bong tróc, sưng đỏ”…
Điều này, khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm được chào bán ở địa chỉ website trên là thuốc chữa bệnh.
Tương tự, tại website //hungthinhmart.com/ cũng quảng cáo: “Cốt huyết thanh 36 vị thảo dược là sản phẩm thuộc nhãn hiệu 36 vị – Meea Organic chuyên chăm sóc, phục hồi và tái tạo da chuyên sâu, tái tạo làn da bị tổn thương, trị mẩn đỏ da, thu nhỏ lỗ chân lông, trị thâm mụn hiệu quả mà không gây bong tróc hay sưng tấy da”.
Ngoài ra, trên các fanpage bán sản phẩm của thương hiệu Meea Organic như: Cao Mụn Sâm Đỏ 36 Vị - Meea Organic; Cao Mụn Sâm Đỏ - 36 V.i; CAO MỤN SÂM ĐỎ… cũng có rất nhiều bài viết, lời quảng cáo có cánh về bộ sản phẩm mang thương hiệu Meea Organic này.
Đặc biệt, trang facebook có tên Trần Phạm Mai Anh với hơn 100.000 người theo dõi được cho là CEO của thương hiệu “Meea Organic” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết có sử dụng các từ ngữ như: “SIÊU PHẨM TRỊ MỤN”, “COMBOO TRỊ MỤN”, “CAO TRỊ MỤN”… để quảng bá cho những sản phẩm của mình.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước thực trạng này, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã ra lệnh siết chặt quản lý, kiên quyết xử phạt, buộc thu hồi, loại bỏ các yếu tố vi phạm hoặc buộc tiêu hủy đối với các trường hợp thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm đó là thuốc.
Quy định của pháp luật là không được phép thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc có tính năng, công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Việc sử dụng từ ngữ như "trị", "điều trị", "đặc trị", “làm lành”, “ngăn ngừa” là hành vi vi phạm, đây cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoạn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính: đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo các sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tiếp tục rà soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Sở Y tế cấp số tiếp nhận thời gian qua; Cập nhật thường xuyên danh mục các chất sử dụng trong mỹ phẩm, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm theo quy định;
Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành; Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Hoàng Bách