Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương và ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế chủ trì hội nghịThứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương và ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TThừa Thiên Huế chủ trì hội nghị (ảnh VPUB)

Tại buổi làm việc, Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc  “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  theo nghị quyết 54 của Bộ Chính trị,hướng mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần có những cơ chế, chính sách đặc thù

Được biết, khác với các đô thị trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, thì Thừa Thiên Huế xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Trước những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý cho phép Thừa Thiên Huế vận dụng, điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và thống nhất mô hình đô thị Thừa Thiên Huế là chùm đô thị có lõi trung tâm, hạt nhân là thành phố Huế và bao quanh là vùng ngoại ô, nông thôn được kết nối bằng hệ thống giao thông đồng bộ (theo hướng mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương).

Quang cảnh hội nghị (ảnh VPUB)Quang cảnh hội nghị (ảnh VPUB)

Tại hội nghị lần này, Thừa Thiên Huế tiếp tục đề xuất: Cho phép bổ sung tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về di sản đối với Thừa Thiên Huế vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN cho từng giai đoạn 5 năm; Cho phép tỉnh được quyết định hình thức và phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư tôn tạo, quản lý và khai thác di sản; Được phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế;  Được để lại 100% phí tham quan di tích sử dụng cho mục đích bảo tồn các giá trị di sản văn hóa,...

Đây là các cơ chế, chính sách đặc thù góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nguồn thu ngân sách, được nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, huy động được các nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy được các giá trị di sản, di tích cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Kết luận tại hội nghị, Thứ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ KH&ĐT sẽ cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu, trình Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, trong khuôn khổ pháp luật cho phép để  giúpThừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

    Trần Minh Tích