Số liệu thống kê của Sở Công Thương cho thấy trên địa bàn Thanh Hóa hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó có hơn 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất.

Sở Công thương Thanh Hóa phối hợp với Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam đã tập huấn nâng cao năng lực ứng phó sự cố hoá chất trên địa bàn tỉnhSở Công thương Thanh Hóa phối hợp với Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam đã tập huấn nâng cao năng lực ứng phó sự cố hoá chất trên địa bàn tỉnh

Dù chưa để xảy ra sự cố hoá chất nghiêm trọng, nhưng luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sinh thái. Trong khi đó, nhận thức về an toàn hoá chất của các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hoá chất là chưa cao.

Cùng với đó, lực lượng và trang thiết bị chuyên dùng cho công tác ứng phó sự cố hoá chất chưa đáp ứng yêu cầu; một số đơn vị sử dụng vật liệu xây dựng kho hoá chất không phù hợp dẫn đến mái che, cửa kho... bị hoá chất ăn mòn nhưng không tiến hành sửa chữa kịp thời. Nếu xảy ra sự cố về hoá chất thì hậu quả khá lớn.

Tại hội nghị, chuyên gia của Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam đã giới thiệu về tính chất nguy hiểm, độc hại của hoá chất; các trang thiết bị ứng phó với sự cố hoá chất; một số kịch bản sự cố hoá chất có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và những quy trình kỹ thuật chung khi tham gia ứng phó với các sự cố hoá chất.

Thông qua tập huấn cán bộ làm công tác hỗ trợ phát triển công nghiệp ở các địa phương, cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động trực tiếp liên quan đến hoá chất được trang bị kiến thức chung về sự nguy hiểm của hoá chất, sự cố hoá chất có thể xảy ra và một số kỹ năng cơ bản về phòng ngừa và ứng phó với sự cố hoá chất…

Đăng Khôi