Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, 8 tháng năm 2020, toàn tỉnh thành lập được 1.658 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số địa phương có kết quả thành lập doanh nghiệp mới tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Đông Sơn...
Cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực hoạt động, có 7/17 lĩnh vực ngành nghề có doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ, như: Thông tin, truyền thông tăng 36,36%; kinh doanh bất động sản, tăng 87,18%; xây dựng, tăng 9,78%; vận tải kho bãi, tăng 22%; khoa học, công nghệ dịch vụ tư vấn, thiết kế, tăng 25%;
Hoạt động dịch vụ, tăng 16,67%; bán buôn, bán lẻ, tăng 5,88%; có 9/17 ngành nghề có doanh nghiệp đăng ký giảm so với cùng kỳ như: ngành nghề dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 37,04%; dịch vụ việc làm, du lịch, giảm 25%; sản xuất, phân phối điện nước, ga, giảm 25,93%; công nghiệp, chế biến, chế tạo, giảm 19,71%...
Để thành lập được doanh nghiệp mới trong tình hình khó khăn như hiện nay, dù Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện các công tác cải cách hành chính, ứng dụng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh và HTX.
Được biết, năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ công tác phát triển doanh nghiệp tại những địa phương khó khăn, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Cùng với đó, Sở chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị chuẩn bị các triển khai các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoài Thu