Là một trong những địa phương có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, Nghệ An có hơn 596.000 người tham gia vào lực lượng quân đội; 37.000 người tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong; hơn 15.000 người đi dân công hỏa tuyến.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 45.230 người được công nhận liệt sỹ; 42.000 người được công nhận thương binh; 17.000 người được công nhận bệnh binh; hơn 1000 Bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 162 đơn vị và 66 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kế thừa và phát huy tốt đẹp truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã cùng chung tay chăm lo ngày một tốt hơn đối với người có công và các gia đình chính sách, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quan tâm bố trí việc làm cho con thương binh nặng...
Và trong những ngày này, để tưởng nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh sẽ tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Trong sáng 25/07, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947 - 27/07/2022); 50 năm Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào và 50 năm chiến thắng điểm cao 1049 - 1015.
Tham dự buổi lễ có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Văn Hưng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Điện tử Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hồng Minh, nguyên Chính ủy Quân khu 4; các sỹ quan cao cấp của quân đội; đồng chí Nguyễn Văn Tứ (103 tuổi) cán bộ Tiền Khởi nghĩa, Đảng viên 75 năm tuổi đảng; các cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320; thân nhân các gia đình liệt sĩ; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các sở, ban, ngành và địa phương trong cả nước.
Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 là một trong 6 Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vào ngày 16/01/1951. Trong suốt chặng đường hàng chục năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, cán bộ và chiến sỹ Sư đoàn 320 luôn nêu cao lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
Sư đoàn 320 đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập chủ quyền, dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; thống nhất bảo vệ đất nước, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Trong chặng đường chiến thắng vẻ vang, Sư đoàn 320 đã có gần 15 ngàn anh hùng liệt sĩ hy sinh. Khi đất nước hoà bình, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư Đoàn 320 đã được thành lập. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình đồng đội cao cả, Sư đoàn 320 và Ban liên lạc đã bắt đầu hành trình mới, đó là hành trình tri ân, đi tìm đồng đội, giải quyết hậu quả chiến tranh, tìm và xác minh hồ sơ, làm thủ tục chính sách cho các thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam.
Trước đó, tối 23/07, cũng trong chương trình nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947-27/07/2022), đoàn công tác Trung ương do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã về Nghệ An dự chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” được tổ chức tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn.
Ngay trước chương trình, tại Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào, trong không khí linh thiêng, bồi hồi, xúc động, các đại biểu đã thắp lên ngọn nến tri ân, kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm hương trước anh linh các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, hiến dâng cả tuổi thanh xuân, chiến đấu bảo vệ, giành độc lập, tự do cho cả hai hai dân tộc Việt Nam, Lào.
Trong chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng 20 gia đình chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao 75 phần quà tặng các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Anh Sơn.
Thủ tướng mong muốn các cán bộ, gia đình chính sách luôn mạnh khỏe, tiếp tục gương mẫu thực hiện và vận động bà con lối xóm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, động viên con cháu phát huy truyền thống quý báu của gia đình, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương Nghệ An và đất nước.
Đồng thời, mỗi bộ, ngành, mỗi tổ chức xã hội và cá nhân hãy làm tốt, thực chất hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công, xác định đây là công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài, quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta.
Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Ngày 27/07 đã đi vào lịch sử đất nước, đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sĩ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc.
Hoàng Linh