Nghị định 185/2013/NĐ-CP, quy định “hàng giả” gồm:
Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…
Thành phố Móng Cái với đặc thù là địa bàn khu vực biên giới với nhiều đường mòn, lối mở. Đây cũng là cơ hội để các chủ đầu nậu lợi dụng để tập kết, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đặc biệt, là dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại tinh vi tại các trung tâm mua sắm chuyên kinh doanh chuỗi tour du lịch 0 đồng trên địa bàn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Quảng trường Hòa Bình được tọa lạc tại địa chỉ số 66, Đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng 11 tầng, với diện tích 60.000 m2, do Công ty TNHH Đông Thăng (HongKong) đầu tư. Nơi đây được ví là một trung tâm tổng hợp các loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch tầm cỡ tại Móng Cái.
Qua thông tin cung cấp của bạn đọc, trong vai đoàn khách tour du lịch 0 đồng, nhóm phóng viên Thương hiệu và Công luận đã “mục sở thị” chứng kiến việc kinh doanh “tấp nập” bên trong khuôn viên tầng 1 Quảng trường Hòa Bình (thành phố Móng Cái).
Để được vào khu vực bán hàng thì mỗi du khách sẽ được cấp 1 thẻ đeo và ai không có thẻ sẽ bị lập tức mời ra ngoài. Khi đã lọt qua cửa kiểm soát, du khách sẽ đi vào các quầy hàng để lựa chọn những sản phẩm mà mình muốn mua và khi đã lựa chọn được đúng sản phẩm, du khách sẽ ra quầy thu ngân thanh toán trước rồi cầm hóa đơn quay lại quầy trước đó để nhận hàng. Những nhân viên bán hàng tại đây có cả người Việt Nam và người Trung Quốc.
Những mặt hàng kinh doanh tại đây với đầy đủ các loại hàng hóa từ cao cấp đến bình dân như vàng bạc, đá quý, ngọc, đồng hồ Rolex, các loại túi sách thương hiệu nổi tiếng như Channel, Louis vuitton, Gucci, nước hoa, đồ thủ công mỹ nghệ, thuốc tăng cường sức khỏe…
Khi vào đây, khách hàng như lạc vào “ma trận” thiên đường hàng hóa với nhiều màu vàng sáng loáng của trang sức, màu hồng, màu trắng của ngọc, làm tăng độ hấp dẫn của sản phẩm tại đây.
Tuy nhiên, các mặt hàng được cho là có giá trị cao như: dây chuyền vàng, nhẫn vàng, lắc vàng, nước hoa, ngọc, túi sách lại có giá thành thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của sản phẩm trên thị trường (?!)
Trước thực tế trên, dư luận không khỏi “nghi ngờ” về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này liệu có đúng là hàng chính hãng, chất lượng sản phẩm liệu có bảo đảm?
Đơn cử như nước hoa Dior Sauvage 100ml tại đây được bán với giá 685 tệ (quy đổi ra tiền Việt Nam đồng thì chai nước hoa này có giá khoảng 2,3 triệu đồng), trong khi đó, nếu mua chính hãng thì có giá từ hơn 3,6 triệu đồng.
Không chỉ nước hoa mà ngay như nhiều quầy vàng tại quảng trường Hòa Bình cũng bị khách hàng phản ánh là bán hàng không đúng độ tuổi, có dấu hiệu là hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng.
Để phân biệt vàng non (vàng không đúng tuổi) hoặc vàng giả thì người tiêu dùng có thể nhận biết bằng mắt thường. Cụ thể, kiểm tra ở các vết khắc, chạm trổ. Nếu là vàng thật thì sản phẩm vàng có bề mặt mịn, không chấm li ti, điểm nối hoặc lồi lõm. Ở các vết khắc, cắt đều màu, màu thống nhất là vàng đúng tuổi. Nếu có màu khác thì là vàng “2 da” (lớp bên trên phủ vàng và lớp dưới là hợp kim độn khác). Ngoài ra, nếu cắn vàng để lại dấu răng thì là vàng thật. Nếu không để lại dấu vết gì thì đó là vàng giả.
Trong vai du khách, phóng viên đã mua một số sản phẩm tại các cửa hàng lưu niệm ở Quảng trường Hòa Bình. Theo thông tin trên hóa đơn bán hàng thì đơn vị kinh doanh là Công ty TNHH Thương mại và du lịch Quốc còn cửa hàng lưu niệm quốc tế Sao Việt là đơn vị thu tiền. Công ty TNHH Đông Thăng (HongKong) là đơn vị chủ đầu tư cho thuê mặt bằng tại Quảng trường Hòa Bình.
Qua quan sát bằng mắt thường, các chuyên gia nhận định, một số mặt hàng mà phòng viên đã mua tại đây có dấu hiệu là hàng hóa vi phạm, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan báo chí, lực lượng chức năng thành phố đã vào cuộc xác minh, kiểm tra và bước đầu xác định tại cơ sở kinh doanh này có bán một số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm".
"Vị này nhấn mạnh, địa phương sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động kinh doanh tại Quảng trường Hòa Bình và tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn, bảo đảm hoạt động kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng".
Trước thực trạng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, kém chất lượng được bày bán tại Quảng trường Hòa Bình, đề nghị cơ quan chức năng liên quan của thành phố Móng Cái cần tích cực vào cuộc kiểm tra, làm rõ, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên địa bàn, cũng như truy cứu trách nhiệm các bên liên quan như Công ty TNHH Thương mại và du lịch Quốc; Cửa hàng lưu niệm quốc tế Sao Việt và đơn vị cho thuê mặt bằng là Công ty TNHH Đông Thăng. Có xử lý nghiêm minh thì mới bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị 185/2013/NĐ-CP mức phạt tiền như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Nhóm phóng viên