Hà Nội và TP. HCM là thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn nhất cả nước, nhất là trong thời điểm cuối năm, bởi đây là dịp người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái “hoành hành” để trục lợi.

Theo các lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm về hàng hóa tập trung chủ yếu vào gian lận về hóa đơn chứng từ để trốn thuế, chất lượng hàng hóa không đúng với công bố; không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; niêm yết giá hàng hóa cao, không đúng với giá trị thật hoặc dùng “chiêu” giảm giá, đại hạ giá trà trộn bán hàng nhái, kém chất lượng… để thu lợi bất chính.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội cho biết, mới đây, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Dương Thị Liên, Lô C53-04 Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông phát hiện trên 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dán nhãn của các nhãn hàng khác nhau. Trong đó có 18.165 hũ yến chưng dán tem nhãn yến chưng Minh Gia Bảo, 5.670 hũ yến chưng dán tem yến chưng Trí Việt, 69.510 hũ yến chưng chưa dán tem nhãn và hơn 5kg nhãn mác Công ty TNHH Yến Trí Việt.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Dương Thị Liên, chủ lô hàng không xuất trình được tài liệu nào để chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này. Tương tự, Đội QLTT số 9 đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) kiểm tra một xe tải có biểu hiện nghi vấn.

Chiếc xe tải BKS 29Z - 6708 đang dừng đỗ tại ngõ 464 Âu Cơ bị phát hiện chứa 161 túi nylon, trong đó có 1.610kg chân giò lợn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ. Toàn bộ số thực phẩm này đã bị lập biên bản và tịch thu để tiêu hủy.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội. Điều này không chỉ gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm trong nước.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội, do Cục Quản lý Thị trường (QLTT) chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra toàn diện trên địa bàn thành phố, từ ngày 25/10 đến ngày 25/12/2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội, do Cục QLTT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra toàn diện trên địa bàn thành phố, từ ngày 25/10 đến ngày 25/12/2024.

Trước tình trạng này, QLTT TP. Hà Nội sẽ phối hợp cùng Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế TP Hà Nội và các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính nhằm tăng cường lực lượng kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm 2024 và Tết 2025.

Theo đó, trọng điểm kiểm tra lần này là các mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như: Rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc lá điện tử, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng và sản phẩm thời trang. Đoàn kiểm tra cũng sẽ chú trọng các nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; nhóm hàng nông sản như: Gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; và các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Đặc biệt, các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu và các sản phẩm từ động vật hoang dã cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra sẽ giám sát chặt chẽ lĩnh vực an toàn thực phẩm và thương mại điện tử, những lĩnh vực có tiềm ẩn nhiều rủi ro gian lận trong những tháng cuối năm.

Đợt kiểm tra liên ngành này dự kiến triển khai từ ngày 25/10/2024 đến hết ngày 25/12/2024 và bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện và thị xã của thành phố Hà Nội.

Ngoài Hà Nội, các tỉnh thành khác cũng siết chặt việc kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm. Theo đại diện Cục QLTT TP. HCM, vào những dịp cuối năm, lễ, tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao và nguy cơ các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp hơn. Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển với hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại từ các nguồn không rõ xuất xứ, hàng giả được giới thiệu và rao bán nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi, đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện lượng thực phẩm bẩn. Ảnh minh họa
Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện lượng thực phẩm bẩn. 

Do đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, trao đổi thông tin, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh về thương mại điện tử trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, Cục Quản lý thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc nhận diện và không tiêu thụ hàng hóa vi phạm, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Tại Ninh Thuận, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường.

Ông Trần Kiều Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tùy theo địa bàn phụ trách, các đội QLTT phối hợp với lực lượng hải quan, biên phòng, công an, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như bánh kẹo, mỹ phẩm, bia, rượu, thuốc lá, đường cát, pháo nổ… và những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Ở thị trường nội địa, các đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các siêu thị, các tuyến phố buôn bán, các chợ dân sinh, các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho biết, cuối năm và Tết Nguyên đán đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.

Chính vì vậy, nhiều thương lái bất chấp lợi nhuận tham gia buôn lậu nhằm tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Cùng đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng bất chấp lợi nhuận để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, các mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều vào thời điểm này là hàng thiết yếu như: dầu ăn, bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, dược phẩm… Ngoài ra, còn có các loại mặt hàng khác nguy hiểm như: chất gây nổ, pháo, chất kích thích, ma tuý… Bởi, các đối tượng nhập lậu và sản xuất hàng giả theo nhu cầu của “thượng đế” và bất chấp mọi thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng. 

Nhiều hội chợ an toàn thực phẩm được tổ chức nhằm mang sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Nhiều hội chợ an toàn thực phẩm được tổ chức nhằm mang sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Song song đó, chủ động phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa. Đặc biệt, tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán...

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vì vậy công tác kiểm tra, giám sát thị trường là yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Việc thanh, kiểm tra cũng là dịp để các ngành chức năng nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo Tết Nguyên đán an lành cho người dân.

Thiên Trường