Báo cáo của VFS chỉ ra, trong tháng Bảy, chỉ số VN-Index tiếp tục rung lắc mạnh trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm với tâm lý thận trọng bao trùm. Với việc liên tiếp bứt phá thất bại ngưỡng kháng cự gần 1.300 điểm và những tuần giảm điểm mạnh xuất hiện với tần suất cao hơn, rủi ro điều chỉnh sâu đang tiềm ẩn nếu VN-Index xuyên thủng vùng 1.200 – 1.230 điểm.

Về thanh khoán, VFS cho biết, giá trị giao dịch tính đến ngày 31/7 đạt 349,1 nghìn tỷ, sụt giảm 11,7% so với tháng trước. Thanh khoản tăng cao vào những nhịp điều chỉnh mạnh, trong khi phiên phục hồi diễn ra với thanh khoản thấp. Diễn biến này cho thấy sự thận trọng của dòng tiền với kịch bản tích cực của thị trường.

Nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số trong các nhịp tăng điểm đầu tháng Bảy nhưng dần hụt hơi khi tiệm cận các vùng kháng cự trong nửa cuối tháng Bảy.

Các nhóm cổ phiếu tăng nóng như nhóm du lịch và giải trí gặp áp lực điều chỉnh mạnh. Diễn biến tiêu cực cũng xuất hiện ở nhóm môi giới chứng khoán khi dòng tiền liên tục rút ra khỏi nhóm này.

Trong khi đó, nhóm hạ nguồn dầu khí là nhóm cổ phiếu ghi nhận diễn biến tăng điểm tích cực nhất trong tháng Bảy nhờ những thông tin giá bán được cải thiện.

Trong bối cảnh áp lực bán có dấu hiệu gia tăng và nhiều khả năng VN-Index sẽ quay lại kiểm định vai trò hỗ trợ của vùng 1.200 – 1.230 điểm, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp từ 20% - 30% và theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 – 1.230 điểm để đánh giá rủi ro của thị trường.

Chứng khoán VFS đưa ra kịch bản thị trường. Kịch bản 1: Với việc áp lực suy yếu và lực cầu giá thấp hoạt động sôi nổi tại vùng 1.200 - 1.230 điểm, VN-Index có thể tiếp diễn quy luật biến động đi ngang trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm. Kịch bản 2: VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.200 – 1.230 điểm, rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường sẽ được xác nhận và VN-Index có thể sẽ phải tìm kiếm vùng cân bằng tại các vùng giá thấp hơn.

Thu Trang(t/h)