Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1/9/2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2024, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 Luật) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công,... Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng, ban hành dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Quan điểm là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Song vẫn phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam.
Chính phủ đề xuất, với Luật Quy hoạch, cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch. Trong đó, bổ sung quy định về nguồn vốn cho việc lập, thẩm định, công bố, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Quy hoạch để phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập quy hoạch.
Luật Đầu tư được đề xuất sửa đổi Điều 31, 32 để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; Dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt…
Hay, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế…
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) cũng có nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, như bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Luật Đấu thầu thì dự kiến cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu…
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cơ quan này cũng lưu ý, dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách Nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung làm rõ.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án Luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển. Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập.
Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật cũng cần mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Bên cạnh đó là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành. Kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế-xã hội của đất nước.
Có ý kiến khác trong Phiên họp nêu quan điểm, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể cũng như có quy định rõ ràng nhằm quản lý chặt chẽ và tránh thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước, tài sản công... Bên cạnh đó, dự án Luật cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi thao túng thị trường chứng khoán; kêu gọi, chào bán trái phiếu tới người dân nhưng không đúng quy định làm ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng...
Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 8.
PV/quochoi.vn