Võ sư Chu Văn Trường (đứng đầu hàng thứ 2 từ bên trái) chụp hình lưu niệm cùng các HLV, võ sĩ tham dự Giải Festival karate Tsunami tại Ba Lan, tháng 4 năm 2017.

Theo dõi giải võ thuật Karate Tsunami, một giải đấu võ thuật phong trào lớn của Ba Lan, hồi tháng 4 năm nay, tôi ngạc nhiên và thích thú với thành tích ấn tượng của các võ sĩ đến từ một võ đường có tên rất Việt là Văn Trường võ quán. Họ đã giành tới 8 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng ở các lứa tuổi ở các nội dung thi đấu khác nhau.

Nhân dịp lên Waszawa dài ngày, tôi chủ ý tìm hiểu kỹ hơn về võ đường đặc biệt này. Được biết, Văn trường võ quán được võ sư Chu Văn Trường thành lập tại Waszawa, Ba Lan vào năm 1998. Trải qua 19 năm huấn luyện, đã có hàng nghìn võ sư, võ sĩ người Việt và Ba Lan được đào tạo từ đây. Anh Tuấn, một người đang sinh hoạt thường xuyên tại võ quán cho biết: “Ngoài đào tạo võ thuật, võ đạo, võ quán còn tạo dựng được một sân chơi lành mạnh cho cộng đồng ta tại Waszawa, qua đó, các học viên nhỏ tuổi được trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ và hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.

Văn Trường võ quán đã tham gia giải Festival karate Tsunami từ năm 2013 và gặt hái rất nhiều thành công. Đối với các giải đấu cấp K1, là các giải võ thuật chuyên nghiệp của Ba Lan và khu vực, võ quán này cũng đã cử đại diện tham gia và đạt nhiều thành tích cao. Chẳng hạn như giải Karate Kyokushin tại Zambrow, Văn Trường võ quán đã tham gia thi đấu từ năm 2014 và liên tiếp giành nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các hạng mục thi đấu. Các võ sư, huấn luyện viên và võ sĩ từng đạt giải cao ở các giải đấu chuyên nghiệp của Ba Lan và khu vực như: Nguyễn Việt Hà, Dương Xuân Mạnh, Hoàng Việt Phương, Nguyễn Anh Tuấn, Vương Sỹ Hạnh, Marcin Lam Sơn, Nguyễn Tiến, Nguyễn Văn Thắng, hoặc các võ sỹ nhỏ tuổi như Trần Đạt, Hoàng Võ Nghệ, Trần Tùng, Chu Ngọc Diệp, Hồng Ngọc, Thúc Nhi,... Đến Waszawa, nói đến Văn Trường võ quán hầu như ai cũng biết.

Với một bề dày thành tích của võ quán như thế, nhưng võ sư Chu Văn Trường lại còn khá trẻ, tính cách điềm đạm, thâm trầm. Anh sinh năm 1975 tại Hà Nội, từng Vô địch giải Karate toàn Thành phố năm 1992, đạt Huy chương Bạc tại giải Vô địch toàn quốc năm 1993 và từng tham gia luyện tập trong đội tuyển Pencak Silat quốc gia để chuẩn bị cho SEA games.

Các huy chương mà Văn Trường võ quán đạt được tại Giải Festival karate Tsunami tại Ba Lan, tháng 4 năm 2017.

Trò chuyện với võ sư Trường, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một võ sư trẻ người nước ngoài nhưng lại rất có uy tín trong giới võ thuật Ba Lan, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng thường trực của Liên Đoàn võ thuật và Thể Thao đối kháng Ba Lan tại Waszawa, nhiệm kỳ 2017 - 2021. Với những đóng góp của mình cho nền thể thao và võ thuật Ba Lan, võ sư Chu Văn Trường đã được ghi nhận và trao nhiều giải thưởng cao quý, như: Huân chương Đại Bàng trắng của Văn phòng phủ tổng thống Ba Lan; Giải thưởng của Hội chữ thập đỏ Ba Lan; Giải thưởng của Hội cựu chiến binh Ba Lan,…

Anh chia sẻ: “Lúc đầu sang đây tôi không nhằm mục đích phát triển võ thuật, nhưng rồi niềm đam mê ấy đã ăn sâu trong ý chí, nghĩ tới sự hòa nhập của cộng đồng ta, cũng như thấy nhu cầu thực tế của các bạn trẻ tại Ba Lan nên mới mạnh dạn mở võ quán. Cũng may, qua tham gia thi đấu ở một số giải chuyên nghiệp của Ba Lan, tôi đã giành được sự tín nhiệm của giới võ thuật nước sở tại, cho nên họ rất ủng hộ. Tôi cũng đã học hỏi thêm về công tác huấn luyện, công tác trọng tài,…, mới có được chút thành quả như ngày hôm nay”. Được biết, để nuôi dưỡng niềm đam mê võ thuật với cộng đồng, Văn Trường cũng đã phải chấp nhận không ít thua thiệt trong việc làm ăn, kinh doanh suốt những năm qua. Hiện nay, anh đang có một cửa hàng nhỏ chuyên buôn bán đồ gốm sứ, chủ yếu là hàng tuyển chọn từ Bát Tràng đưa sang, tại Waszawa.

Một điều hết sức thú vị nữa là võ sư Chu Văn Trường hiện đang đảm nhiệm chức Phó chủ tịch hội cựu chiến binh Ba Lan, mang quân hàm Thiếu tướng. Chia sẻ về câu chuyện này, Văn Trường cho biết, quy chế về Hội cựu chiến binh Ba Lan hơi khác với chúng ta, không nhất thiết phải là cựu quân nhân mới được tham gia. Đặc biệt là, họ còn có quyền được phong quân hàm cho các thành viên trong tổ chức Hội. Mới đầu anh được phong đặc cách quân hàm Đại úy, sau nhờ các thành tích và đóng góp xuất sắc nên được thăng dần lên.

Mặc dù quân hàm chỉ mang tính danh dự, không kèm theo chế độ lương bổng, nhưng vẫn là quân hàm chính thức được nhà nước Ba Lan công nhận. Một số người khác được anh dìu dắt tham gia, nay cũng đã được Hội cựu chiến binh Ba Lan ghi nhận, phong quân hàm, như võ sư Nguyễn Việt Hà được phong Đại úy gần đây.

Võ sư Nguyễn Việt Hà được phong Đại úy.

 Võ sư Chu Văn Trường tâm sự: “Mỗi lần có võ sĩ của mình giành được huy chương ở các giải đấu ở đây,khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên, lòng mình lại trào dâng cảm xúc, như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin về quê hương, đất nước”. Nghe thế, tôi cũng xúc động mường tượng tới cảnh lá cờ đỏ sao vàng đang được kéo dần lên, tung bay phất phới giữa bầu trời viễn xứ.

Những điều mà những người như võ sư Trường làm được, dù tự phát và lặng lẽ, nhưng là những đóng góp rất lớn lao cho cộng đồng và đất nước. Nó sẽ luôn được kiều bào ghi nhớ và sẽ được Tổ quốc ghi nhận. Võ sư Chu Văn Trường không chỉ là một tấm gương sáng về hội nhập trên đất khách, mà còn xứng đáng là một sứ giả về thể thao và văn hóa, một “ngọn cờ” cho người Việt tại châu Âu này.

Nguyễn Thức Tuấn- Dantri