Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho hay, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, ông Trần Đức Đông cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động nắm tình hình, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.

Đồng thời, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị để từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả….

Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm Công nghệ chống giả Việt Nam thì: Các nhà sản xuất phải tự cứu mình trước khi quá muộn, nên các doanh nghiệp có thể sử dụng chống hàng giả bằng cách sử dụng tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động nên không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng.

Ảnh internet
Ảnh minh họa internet.

Để lấy lại uy tín cho sâm Ngọc Linh, bà Kim Anh cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp công nghệ TrueData với việc sản phẩm gắn chip RFID sử dụng trường điện từ tự động nên không thể làm giả, nhà cung cấp được xác thực bằng công nghệ định danh cùng bảo hiểm mua hàng chính hãng. Khi đó mỗi cây sâm giống sẽ được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng, giúp đảm bảo nguồn gốc cây giống thật. Sau khi thành nguyên liệu sản xuất và ra thành phẩm, mỗi sản phẩm cũng được gắn chíp để truy xuất nguồn gốc.

“Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi sản phẩm đều được bảo hiểm nếu không phải hàng chính hãng” bà Kim Anh cho biết. 

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam sông Hồng, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện - PTI cho biết, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ TrueData sẽ được nhận bảo hiểm cho hành vi tấn công, truy cấp trái phép hay giả mạo của bên thứ 3, cùng với đó là bảo hiểm cho lỗi hệ thống, lỗi vận hành hoặc lỗi bảo mật của sản phẩm công nghệ, dịch vụ công nghệ.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...

“Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Hàng giả nói chung như túi xách giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của Tổng cục quản lý thị trường thể hiện, từ đầu năm 2022 đến nay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 60 vụ giả về chất lượng cộng dụng, 357 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, 34 vụ tem - nhãn bao bì hàng hoá giả, 162 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 982 vụ hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)