Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu: Tự do hóa thương mại nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có tác động thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Những quy định trong các FTA này buộc nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, phải tái cấu trúc, mở ra những thị trường mới và tạo sức hút về hàng hóa. Trong thời gian tới, khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do: (i) Sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% mà Quốc hội đề ra; (ii) Khi thuế suất giảm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như: Nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su…; (iii) Hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi sẽ là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, với cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm mà cả hai cùng có lợi thế như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép… của Việt Nam, máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn của EU.
Thứ hai, đối với sản xuất trong nước: Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ khiến cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn, do đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và đa dạng, tác động tích cực đến sản xuất trong nước.
Thứ ba, đối với môi trường kinh doanh: Việc tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới… sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ, từ đó, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.
Thứ tư, đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong các FTA thế hệ mới đều có các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn. Các FTA thế hệ mới cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Những xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ, dịch vụ tài chính… sẽ mở ra cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam.
Với các quy định trong các FTA thế hệ mới, các nhà đầu tư sẽ đầu tư chiều sâu vào thị trường Việt Nam, do đó, chất lượng đầu tư nước ngoài sẽ được cải thiện, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế. Ví dụ: EVFTA sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Một số thách thức đặt ra
Bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, thách thức về hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Quá trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đã có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Công tác xây dựng thể chế, chính sách dần được hoàn thiện, giúp nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến rõ nét. Hội nhập quốc tế góp phần mở rộng thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực; qua đó, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có chuyển biến về chất.
Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách lớn. Nếu chúng ta không nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì đây chính là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Thứ hai, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng sản phẩm hiện nay còn thấp. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết dẫn đến các hàng hóa sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời các ngành sản xuất trong nước chịu tác động trực tiếp của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế. Mặt khác, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công lắp ráp, nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu; Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chậm được cải thiện...
Thứ ba, đối với nhập khẩu, mặc dù việc ký kết FTA với nhiều đối tác song trong ngắn hạn, nhập khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống (như Trung Quốc), do mức độ cam kết thuế sâu cũng như vị trí địa lý thuận lợi sẽ khiến cho vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế cũng tạo nhiều áp lực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, có một số vấn đề đặt ra đối với dòng vốn FDI: (i) Đóng góp của FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp, còn hạn chế; (ii) Mối liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu kém; (iii) Các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực gia công lắp ráp, thâm dụng lao động và ít có khả năng tạo tác động lan tỏa về mặt công nghệ; (iv) Khung pháp lý và chính sách mở cửa FDI, hội nhập kinh tế quốc tế tuy đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý, dẫn tới các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế…; (iv) Dòng vốn liên thông hơn với quốc tế cũng khiến cho những nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động cũng đặt ra những thách thức trong việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.
Thứ năm, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt vào lộ trình cắt giảm sâu.
Thứ sáu, thị trường dịch vụ tài chính trong nước chưa thực sự phát triển. Mở cửa thị trường theo cam kết đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt trên cả 3 cấp độ gồm: Cạnh tranh giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nước ngoài; cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh giữa các chính phủ về thể chế và môi trường kinh doanh.
Thứ bảy, trình độ đội ngũ cán bộ và năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục tăng cường để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hạn chế gian lận thương mại…
X.Hải (t/h)