Trong trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhà nước Israel từ ngày 23-25/7, hôm qua (25/7), tại Tel Aviv, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Hai bên bày tỏ mong muốn thúc và quyết tâm đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu...

Sau hội đàm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng chứng kiến Lễ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) giữa Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một nền kinh tế Trung Đông, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel (1993-2023).

Việt Nam và Israel ký FTA song phương (Ảnh: MOIT)
Việt Nam và Israel ký FTA song phương 

Việc VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán và càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.

Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel. Qua đó, phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.

Việc ký kết hiệp định VIFTA không chỉ đánh dấu bước phát triển mới về chất trong quan hệ song phương, mà còn tạo khuôn khổ pháp lý và động lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, tạo điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại song phương từ mức 2,2 tỷ đôla Mỹ năm 2022, lên mức 3 tỷ USD trong thời gian tới.

Về khía cạnh xã hội, trong tương lai gần, trên cơ sở thế mạnh đặc biệt của Israel về công nghệ và tài chính khi kết hợp với thế mạnh của Việt Nam về môi trường đầu tư, quy mô thị trường và mạng lưới 16 FTA mà nước ta đã tham gia, VIFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Israel vào Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm trong một bộ phận người lao động ở các lĩnh vực mà Israel quan tâm và đầu tư.

Tối 25/7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác tới Cairo, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập. Theo lịch trình dự kiến, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang có cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội Ai Cập; Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia A rập (AL); gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập và dự Lễ kỷ niệm 60 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ai Cập (1963-2023).

Thiên Trường