Ông Hồ Quang Cua cho biết: "Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi. Dù biết gạo ST24, ST25 bị “cướp” thương hiệu nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài".
Trước đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại một diễn đàn đã tiết lộ, gạo ST của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ. Từ đó đặt ra vấn đề các doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà ở thị trường xuất khẩu. Ông Phú cho hay thông tin trên là từ phản ánh của doanh nghiệp, 2 loại gạo bị đăng ký là ST24 và ST25.
Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên, được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu. "Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp", vị giám đốc này phân tích.
Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25.
Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22/10/2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1/9/2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18/6/2020.
Cả 3 đơn đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị “cướp” thương hiệu ở thị trường quốc tế. Đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt dù đã đầu tư rất nhiều vào thương hiệu của mình trong nước, sản phẩm tốt được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại trở nên vô danh, thậm chí bị “cướp” thương hiệu do bị một doanh nghiệp nước ngoài khác đăng kí trước.
Luật sư Lê Quang Vinh – Công ty Luật Bross và cộng sự cho biết đã có nhiều vụ việc doanh nghiệp mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
Điển hình như vụ việc Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Australia đăng ký làm nhãn hiệu. Thương hiệu Vinataba được đăng ký ở các lãnh thổ Indonesia, Pháp. Năm 2001, sáng chế/kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi đã được một cá nhân Nhật bản đăng ký bằng độc quyền.
Năm 2011, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) đã được Cơ quan sở hữu trí tuệ của nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT". Việc này gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam.
Năm 2018, nhãn hiệu G7 Coffee được đăng ký ở ở Iceland. Đây là Thương hiệu có danh tiếng cao của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Sau đó, Bross & Partners hỗ trợ Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên hủy bỏ hiệu lực thành công thương hiệu G7 Coffee bị đăng ký trái phép ở lãnh thổ Iceland vì lý do không trung thực.
Theo Luật sư Lê Quang Vinh, để xảy ra những vụ việc này do các doanh nghiệp chưa mấy để ý đến “Thuộc tính giới hạn lãnh thổ” và “Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Hệ quả của việc này là mất cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường; Đối mặt với rủi ro về pháp lý; Mất lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do: CPTPP, EVFTA, RCEP…
Luật sư Vinh cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền SHTT ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu (thương hiệu), kiểu dáng, sáng chế/giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu và thuê luật sư chuyên nghiệp thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ.
Hưng Khánh