Hoạt động “tín dụng đen” trong cả nước nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng diễn biến tương đối phức tạp, kèm theo các hoạt động cho vay với lãi suất cao là các hành vi đòi nợ, siết nợ có tính chất côn đồ, manh động. Hoạt động của các cơ sở cho vay, cầm đồ cũng được quảng cáo công khai dưới nhiều hình thức như dán rải tờ rơi, in ấn mực màu tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, hỗ trợ tài chính trên địa bàn tỉnh đã phát triển lên đến con số là 798 cơ sở.
Để ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen" tỉnh Quang Ninh đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.
Nhờ đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kiểm soát hiệu quả. Nhiều cơ sở cầm đồ là bình phong cho hoạt động “tín dụng đen” đã bị đấu tranh, triệt phá hoặc tự xóa bỏ; nhiều nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng được phát hiện và bị triệt phá. Hoạt động tội phạm “tín dụng đen” đã chuyển từ hình thức công khai, manh động nay chủ yếu đi vào hoạt động ẩn để tránh bị xử lý. Hiện toàn tỉnh không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quán triệt và tiến hành quản lý chặt chẽ cán bộ, công nhân viên chức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, sử dụng vốn an toàn; tuyệt đối nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, bảo kê, đòi nợ.
Các cơ quan chức năng cũng giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký, cấp phép hành nghề đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật, nhất là những ngành nghề liên quan đến "tín dụng đen”.
Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đẩy mạnh triển khai các nội dung đơn giản hóa các thủ tục hành chính để nhân dân dễ dàng tiếp cận vay vốn đúng mục đích; tuyên truyền vận động người dân khi có nhu cầu vay vốn liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, không nên thực hiện giao dịch với các cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trái phép.
Đặc biệt, ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản đảm bảo, người lao động thu nhập thấp, đồng thời ưu tiên tập trung các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hạn chế các hoạt động “tín dụng đen”; tổ chức 103 cuộc thanh tra, kiểm tra giám sát tổ chức tín dụng nội dung tập trung vào hoạt động huy động vốn, cho vay đồng thời chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh với vai trò cơ quan thường trực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính và quản lý cư trú tại địa bàn cơ sở đối với nhân viên tại các cơ sở này. Toàn tỉnh đã thành lập 54 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 489 lượt đối với 414 cơ sở kinh doanh, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 75 cơ sở và 75 cá nhân vi phạm. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 12, số cơ sở kinh doanh cầm đồ, tài chính trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm từ 798 cơ sở xuống còn 157 cơ sở.
Như vậy, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, hoạt động "tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi đòi hỏi các sở, ban, ngành cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để, nghiêm minh đối với các vi phạm; đẩy mạnh phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sự nguy hại khi vay tiền thông qua các ứng dụng trên không gian mạng. Về phía người dân, khi có nhu cầu vay vốn cần đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ thủ tục theo đúng quy định tránh bị kẻ xấu lừa đảo, lợi dụng.
Trần Trang (t/h)