Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện một số cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép hoặc chưa xuất trình được một số giấy tờ pháp lý, hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh các hoạt động của cơ sở là hợp pháp; nhân viên không được đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo các dịch vụ y tế chưa được các cơ quan chức năng cho phép…

Một số cơ sở cũng vi phạm khi kinh doanh các loại sản phẩm không phép, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Đoàn liên ngành đã lập biên bản, xử lý vi phạm, yêu cầu các cơ sở không được triển khai thực hiện các dịch vụ không được cơ quan chức năng cấp phép, tiếp tục phối hợp với Đoàn để làm rõ các hoạt động của cơ sở.

Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực, trong 16 hình thức khám chữa bệnh đã không còn hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến các kỹ thuật có trong danh mục tại khoản 12 điều 40 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người mà làm thay đổi màu sắc, hình dạng, cân nặng, khắc phục khiếm khuyết, tái tạo tế bào, bộ phận chức năng cơ thể và thực hiện phun xăm thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc tê dạng tiêm… thì phải tổ chức hoạt động theo hình thức cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này có nghĩa là phải được Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động.

Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) và cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh kiểm tra các loại thuốc, hóa chất đã được sử dụng tại các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ.
Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) và cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh kiểm tra các loại thuốc, hóa chất đã được sử dụng tại các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ. Ảnh Quỳnh Trang - CDC Quảng Ninh.

Theo ông Ngô Văn Khánh, Chánh Thanh tra Sở Y tế, gần đây đường dây nóng của Sở Y tế tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về những cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh về lĩnh vực y tế không đảm bảo đủ điều kiện, có dấu hiệu cung cấp các dịch vụ trá hình. Hay nhiều cơ sở tư nhân về khám chữa bệnh, thẩm mỹ – làm đẹp, dược, thực phẩm… trên địa bàn tỉnh có các hoạt động quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội; gọi điện thoại tư vấn dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ cho người dân.

Nắm bắt những thông tin đó, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn vì các cơ sở có hành vi đối phó, không hợp tác. Nhiều cơ sở khi đăng tải quảng cáo dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ không được cấp phép nhưng khi được hỏi thì né tránh trả lời rằng đó là đăng tải quảng cáo của hệ thống trên Hà Nội. Bên cạnh đó, đa số người dân sử dụng dịch vụ còn tâm lý e ngại khi cung cấp bằng chứng, thông tin về hành vi vi phạm của các cơ sở này cho cơ quan chức năng.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiến hành xử phạt theo quy định những cơ sở tư nhân về khám chữa bệnh, thẩm mỹ – làm đẹp, dược, thực phẩm… đăng thông tin, quảng cáo các dịch vụ không đúng sự thật.

Người dân khi phát hiện các hoạt động quảng cáo trái phép có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (0966.631.313). Hoặc chủ động tìm hiểu thông tin về những cơ sở được Sở Y tế cấp phép hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, các cơ sở làm đẹp, cơ sở thẩm mỹ… tại website của Sở Y tế: //soytequangninh.gov.vn.

Trần Trang (t/h)