Nông sản Việt vươn tầm thế giới
Đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính, hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là đã có chỗ đứng tại một số thị trường có rào cản kỹ thuật cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Hiện diện tại những thị trường khó tính
Là một nước nông nghiệp nhiệt đới với đa dạng các loại nông sản, xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Nói đến nông sản Việt là phải nói đến hạt gạo- mặt hàng được ví như “hạt ngọc” của nước ta. Năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019. Đáng mừng hơn, trong năm 2020, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500 USD/tấn, vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Thành công này một phần do chúng ta đã kịp thời chuyển đổi giống lúa từ gạo trắng- vốn là gạo cấp thấp sang lúa thơm- nên cạnh tranh tốt hơn.
Cùng với mặt hàng gạo, nông sản Việt, trong đó có rau quả, đang từng bước chinh phục thị trường thế giới. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều loại rau quả Việt đã hiện diện ở những thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng. Điển hình là Australia- quốc gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp. Đây là một thị trường có tiêu chuẩn sống cao, nông sản phong phú. Chính vì thế, sự hiện diện của các mặt hàng nông sản Việt Nam tại Australia, trong đó có 4 loại quả tươi gồm vải, xoài, thanh long và nhãn là một thành công lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát chất lượng nông sản.
Nhiều loại nông sản Việt cũng đã xuất khẩu sang Mỹ và được thị trường này đón nhận tích cực như: càphê, hạt điều, hạt tiêu, chè, gạo, nông sản chế biến và quả tươi. Đến nay, phía Mỹ đã chính thức cấp phép nhập khẩu 6 loại hoa quả tươi của Việt Nam gồm vú sữa, xoài, vải, nhãn, thanh long và chôm chôm.
Với thị trường EU, nông sản Việt cũng đã hiện diện, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài... Tuy nhiên, mặc dù là thị trường nhập khẩu rau quả đầy tiềm năng, chiếm khoảng 50% nhập khẩu rau quả thế giới nhưng lượng rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU.
Tại Singapore, nhiều nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc. Việt Nam là một trong 5 đối tác hàng đầu cung cấp cho thị trường Singapore cây cảnh và hoa tươi. Về hoa quả, bên cạnh một số mặt hàng truyền thống đã vào thị trường từ nhiều năm như thanh long trắng, dừa xiêm. Ba năm trở lại đây, nhiều loại trái cây mới của Việt Nam như hồng xiêm, bưởi Năm roi, chanh leo, thanh long đỏ và gần đây là vải thiều cũng đã chinh phục được thị trường Đông Nam Á này.
Đặc biệt, Nhật Bản- thị trường nổi tiếng khó tính- đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn của rau quả Việt Nam. Sau thanh long, xoài và chuối, vải thiều là loại quả tươi thứ tư của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản. Mặc dù có giá bán khá cao, gần 120.000 đồng cho một hộp 9 quả, nhưng vải thiều Việt Nam vẫn được thị trường Nhật Bản đón nhận tích cực. Các chuyên gia đánh giá, việc thâm nhập thành công vào một thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản sẽ giúp mở ra “những cánh cửa xuất khẩu” mới cho rau quả của Việt Nam.
Chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, vượt các rào cản kỹ thuật
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn, thách thức trong xuất khẩu nông sản cũng không hề nhỏ. Đó là, các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có yêu cầu cao, khó tính về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy tắc về quy trình sản xuất cũng như xuất xứ.
Theo các chuyên gia, EU là một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Đối với nhóm nông sản, rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap… Vì vậy, để đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu và áp dụng trung thực quy tắc xuất xứ, kiểm soát ngay tại đồng ruộng, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, đặc biệt là chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường…
Tương tự, các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Mỹ rất nghiêm ngặt, trong khi thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu không hề đơn giản, nếu không muốn nói là rất phức tạp. Australia cũng là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu với nhiều quy định về bảo đảm an toàn sinh học, kiểm dịch ngặt nghèo và các tiêu chuẩn khắt khe.
Những thách thức đặt ra cho thấy, nếu muốn thâm nhập một cách bền vững vào các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nhận diện rõ những yêu cầu đặc trưng của từng địa bàn, từ đó có chính sách phù hợp để chinh phục các thị trường tiềm năng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thời gian tới, Bộ sẽ cùng các địa phương, tiến hành quy hoạch lại các vùng trồng thích hợp; tổ chức sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn theo nhu cầu của thị trường, phát triển cụm liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ; Hoàn thiện xây dựng các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về cơ sở sản xuất và sản phẩm nông sản nhằm phục vụ sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như ISO, HACCP và các chứng nhận quốc tế khác trong tất cả các cơ sở chế biến xuất khẩu để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; Xây dựng, cấp mã số vùng trồng; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản…
Năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEPT… mang lại. Việc tăng cường kiểm soát chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu chính là chìa khóa giúp nông sản Việt ngày càng vươn xa và đứng vững ở thị trường nước ngoài, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Lê Kim Liên/Vietq
Tin mới
TP. Hồ Chí Minh yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại BOT Phú Hữu
Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục các bất cập để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực BOT Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội
Hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu.
Oshun Beauty bị xử phạt 25 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng
Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Trong đó, chủ hộ kinh doanh Oshun Beauty bị xử phạt 25 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.
Điểm tên thị trường xuất khẩu lớn nhất thức ăn gia súc của Việt Nam
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt trên 88,88 triệu USD, chiếm 13,2%
Bình Định có thêm cụm công nghiệp 35ha
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Tà Súc (giai đoạn 3) tại huyện Vĩnh Thạnh.
Trung tâm kinh tế tiểu vùng vừa được Thanh Hoá duyệt quy hoạch nằm ở đâu?
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3775 về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy đến năm 2045.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM