Kỳ 1: Khi tất cả đều… thiếu và yếu
Cồn Hến có diện tích 23,8ha, gồm 03 tổ dân phố, với 1091 hộ dân, 4378 khẩu. Trước 1975 đây là một đơn vị hành chính có tên là xã Phú Lưu, sau 1975 đã nhiều lần nhập, tách thay tên đổi họ và nhập với xã Phú Hương bên kia sông để cùng mang tên phường Vỹ Dạ vào năm 1983. Một bước lên phường, cách trung tâm thành phố Huế chừng 2km, nhưng Cồn Hến luôn được xem như “vùng trũng” của thành phố vì tất cả đều… thiếu và yếu.
Thực trạng Cồn Hến được ông Nguyễn Dũng- Bí thư Đảng uỷ phường Vỹ Dạ báo cáo với đoàn công tác thành phố do bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định dẫn đầu về thăm và làm việc ở Cồn Hến ngày 22/11/2020. Ông Dũng không hề dấu diếm cho biết: Cồn Hến kết nối với bên ngoài chủ yếu bằng đường Ưng Bình, qua cầu Phú Lưu và những chuyến đò ngang. Hầu như toàn bộ hệ thống đường giao thông ở đây đều xuống cấp trong lúc mật độ lưu lượng xe lưu thông qua cầu cũng như trên các tuyến đường hàng ngày rất đông đúc. Hệ thống thoát nước ở các kiệt và ngõ hầu hết không có, gây ngập úng. Đặc biệt là tuyến đường chính Ưng Bình thường xuyên ngập sâu 01 mét khi mưa lớn. Trường tiểu học Phú Lưu gồm 14 phòng cấp 4, do nằm trong khu quy hoạch, ít được đầu tư, nên xuống cấp trầm trọng (bị sập đổ 2 phòng trong trận bão tháng 10/2020).
Về thiết chế văn hoá lại càng thê thảm, khi Cồn Hến với gần 4.500 dân có được 02 nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng 01 cái còn sử dụng tạm (khu vực 6A), còn nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực 6B thì hư hỏng nặng, rất nguy hiểm. Theo ông Dũng “các nhà sinh hoạt cộng đồng ở Cồn Hến hiện nay chưa đáp ứng về nhu cầu làm nơi sinh hoạt hội họp của khu dân cư; điểm sơ tán nhân dân phòng tránh bão lũ; làm nơi trực gác của lực lượng phòng chống thiên tai ở cơ sở”.
Hạ tầng đã thiếu và yếu nhưng vệ sinh môi trường cũng không hơn gì. Ông Phan Thiên Định trong ngày đi thực địa khắp Cồn Hến đã phải thốt lên: Vệ sinh môi trường nơi đây yếu quá. Rác trên đường, dưới sông, đồng ruộng… rác có khắp nơi. Phải nâng cao ý thức bào vệ môi trường cho người dân. Phải đẩy mạnh phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ở khu vực Cồn Hến.
Theo ông Nguyễn Dũng, bí thư Đảng uỷ phường thì nguyên nhân ý thức của người dân cũng có nhưng chủ yếu do xe rác có trọng tải lớn không qua được, Công ty MTĐT chỉ thu gom rác bằng xe thô sơ; một số tuyến ngõ hẹp xe không qua được vì vậy hiện tượng đổ rác xuống sông gây ảnh hưởng đến môi trường còn xảy ra…
Điều đáng nói, nghiêm trọng nhất ở Cồn Hến hiện nay còn phải nói đến việc lấn chiếm đât đai vô tội vạ. Chính việc lấn chiếm đất đai này dẫn đến hệ thống hồ chứa, hệ thống thoát nước bị bịt kín; rác chìm xuống các đồng ruộng lưu cửu hàng chục năm gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi xú uế khi nắng nóng làm người dân rất bức xúc. Đến nỗi chi bộ 13 ở Cồn Hến đã rất nhiều lần đặt vấn đề lấn chiếm đất đai, vệ sinh môi trường ra bàn bạc, đưa thành nghị quyết gởi lên Đảng uỷ, UBND phường nhưng rồi tất cả đều… im lặng.
Ông Phạm Văn Bôn, Bí thư Chi bộ tổ 13 cho biết, tình trạng lấn chiếm đất đai, đổ rác thải phía sau đồng ruộng thuộc dãy nhà kiệt 7 Ưng Bình xảy ra đã lâu làm nghẽn hệ thống thoát nước. Đã rất nhiều lần chi bộ, tổ Dân phố phải huy động, thuê người đến vét để khơi thông dòng nước nhưng chỉ thời gian ngắn rác ngập lại như cũ!
Ông Nguyễn Thành Sơn, hưu trí (nguyên là cán bộ Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế) cho biết: Các nơi khác trường học đều cao tầng chỉ duy nhất trường tiểu học Phú Lưu (Cồn Hến) là trường cấp 4, có số tuổi không dưới 50 năm, xuống cấp rất nguy hiểm. Khu vực giữa kiệt 7 và kiệt 13 trước đây là đồng ruộng hơn 3 sào nhưng không biết Hội nông dân quản lý thế nào, chừ 3 sào ruộng này đã bị các hộ dân lấn chiếm gần hết khiến nước mưa không thoát được. Vì vậy mưa là ngập cả đoạn đường Ưng Bình.
Không riêng chi hơn 3 sào đất ruộng ở tổ 13 bị lấn chiếm mà dọc bờ sông; khu vực nhà tiền chế nhà nước bố trí tạm cư năm 1999, nhiều diện tích đất nồng nghiệp đã không còn nữa mà thay vào đó là nhà cửa các loại; hệ thống mương thuỷ lợi tưới tắm cho 6ha đất nông nghiệp mà người dân Cồn Hến huy động làm sau năm 1975 để trồng rau màu cao cấp, trồng bắp… nay đã biến mất hoàn toàn.
Trần Minh Tích