Danh sách chính thức về các doanh nghiệp trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/01/2024. Theo danh sách do Bulog công bố, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu, tập trung vào 05 doanh nghiệp.

Đầu năm 2024, Bulog thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo, nhằm gia tăng dự trữ lương thực trong nước Ngày 30/01/2024, Cơ quan này hoàn tất việc đấu thầu và xác định danh tính các doanh nghiệp tham gia trúng thầu.

với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa công bố nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm (Ảnh minh hoạ)
Với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa công bố nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm (Ảnh minh hoạ).

Trong đó có 03 doanh nghiệp lớn trúng 02 lô mỗi đơn vị gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14; Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trúng lô số 15 và 16; Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trúng lô số 3 và 9.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH lương thực Phát Tài (Đồng Tháp) trúng lô 11.

Việt Nam cũng là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn (trên 2 lô). Ngoài Việt Nam, một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE, Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.

Dữ liệu thống kê của Hải quan cho biết, năm 2023, Indonesia đã vượt Trung Quốc và vươn lên là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2023, chỉ sau Philippines, với sản lượng 1,16 triệu tấn, đạt 640 triệu USD, tương ứng tăng lần lượt 877% và 992% so với năm trước.

Chính vì vậy, với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa công bố nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3 sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm.

Năm 2024, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, tương đương với Philippines.

Xuất khẩu gạo năm qua đã chứng kiến sự bứt phá chưa từng thấy. Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của nước ta đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm trước. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước.

Ngoài ra, gạo Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc đạt 917.000 tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587.000 tấn, tăng 32,9% so với năm trước.

Tính đến ngày 22/01/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

TP. HCM là địa phương có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo nhất, với 36 thương nhân (giảm 01 thương nhân so với danh sách công bố hồi tháng 10/2023); tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân.

Một số địa phương chỉ có 01 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục thuận lợi do nguồn cung thắt chặt, và nhu cầu nhập khẩu tại nhiều quốc gia gia tăng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ, từ đó duy trì mặt bằng giá cao.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 01/2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dù có những biến động theo hướng giảm khoảng 10-11 USD/tấn so với cuối năm 2023 song vẫn ở mức cao. Giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm trong những ngày cuối tháng 01/2024 ở mức 642 USD/tấn.

Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang thấp hơn giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 13 USD/tấn, nhưng so với Pakistan, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 4 USD/tấn.

Xuất/nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2024 ước khoảng 52,1 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 710.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước và giảm 270.000 tấn so với năm 2023.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Phương Thảo(t/h)