Chính phủ đã phân công một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và các phó ban, ủy viên BCĐ gồm nhiều cán bộ lãnh đạo chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương để thực hiện chức năng nhiệm vụ chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác theo chỉ đạo của Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn BCĐ389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng các cấp trong điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức, liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn…
BCĐ389 ra đời đã góp phần đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ảnh: TH)
Việc thành lập BCĐ389/QG thể hiện sự quan tâm sâu sát, quyết tâm của Đảng, Nhà nước với mục tiêu huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các cấp, các ngành, các địa phương cùng tham gia mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - kiên quyết đẩy lùi vấn nạn, không để có "vùng cấm".
Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389/QG đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, quyết định chỉ đạo công tác kiện toàn bộ máy hoạt động của hệ thống các BCĐ389 từ Trung ương đến địa phương và công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả mang tính toàn diện, thống nhất trên toàn quốc; xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, các lực lượng thực thi nhiệm vụ...; xác định rõ nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Trong đó, nổi bật là việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Với 10 nhiệm vụ và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đây là văn bản chỉ đạo của Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị cao và có tính toàn diện của Chính phủ nhằm đầy lùi vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xác định không có vùng cấm trong công tác này.
Đến nay, BCĐ389 các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, đến từng lực lượng chức năng nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, ưu tiên tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kế hoạch triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389/QG về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Hàng năm, BCĐ389/QG và BCĐ389 các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch năm, trong đó triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm BCĐ389/QG đều tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết trực tuyến toàn quốc; hàng quý tổ chức giao ban thường trực BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động, phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Để xử lý những vụ việc phức tạp, nổi cộm, trực tiếp Trưởng BCĐ tổ chức các cuộc họp đột xuất để chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch của người dân và dư luận xã hội.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, BCĐ389/QG đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, quyết định chỉ đạo công tác kiện toàn bộ máy hoạt động của hệ thống các BCĐ389 từ Trung ương đến địa phương và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính toàn diện, thống nhất trên toàn quốc.
Cụ thể đó là Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị 17/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Đồng thời, kịp thời ban hành văn bản tạo cơ chế hiệu quả cho hoạt động của BCĐ389 các bộ, ngành và địa phương và các công điện, kế hoạch triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 264/QĐ-BCĐ389 ngày 24/4/2017 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23/5/2014 của Trưởng BCĐ389/QG về ban hành quy chế làm việc của BCĐ389/QG; Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389 ngày 1/6/2017 về việc ban hành Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa BCĐ389/QG, BCĐ389 các bộ, ngành, địa phương thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Quyết định số 899/QĐ-BCĐ389 ngày 12/10/2017 thay thế Quyết định số 32/QĐ-BCĐ389 ngày 23/5/2014 về Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực BCĐ389/QG…
Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm, với sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể. Hoạt động truyên truyền đa dạng hơn, phong phú phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, tuyên dương các điển hình tiên tiến góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
BCĐ389 các tỉnh, thành phố thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với hình thức khác nhau, như: Phối hợp đài phát thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp thông qua công tác kiểm tra; tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng giữa các tổ chức, cá nhân; biên soạn, phát tờ gấp, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, dán tờ rơi, áp phích...
Để chủ động nắm tình hình và chủ động tham mưu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ389/QG đã triển khai thiết lập đường dây nóng gồm các số điện thoại 0981389389, 0961389389; thư điện tử [email protected], đồng thời tổ chức tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng. Trung bình mỗi tháng đường dây nóng của BCĐ389/QG tiếp nhận từ 150 đến 200 cuộc điện thoại, khoảng 15 đến 20 thư nhận qua địa chỉ thư điện tử và 10 đến 15 đơn thư phản ánh trực tiếp gửi đến Văn phòng.
Nhận thức được công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hiện nay, bộ máy BCĐ389/QG, BCĐ389 một số bộ, ngành chức năng xuống đến 63 tỉnh thành đều đã được kiện toàn với sự tham gia của các lực lượng chức năng chính như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra chuyên ngành. Các BCĐ389 đa phần đều có bộ phận thường trực giúp việc là lực lượng chức năng để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn phụ trách.
Về đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng: các bộ, ngành đều coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Công an ưu tiên đầu tư phương tiện trinh sát kỹ thuật, phân tích, giám định... Bộ Tài chính đầu tư trang bị hệ thống máy soi container tại các cảng biển, cửa khẩu quốc tế; xây dựng các trung tâm kiểm định hàng hóa XNK ở các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn, trọng điểm... Bộ Công Thương đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng… Bộ Quốc phòng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiện đại hóa trang thiết bị trinh sát, kỹ thuật, tàu thuyền nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và điều tra…
Theo thống kê của các Bộ, ngành và địa phương từ năm 2014 đến năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ (1 triệu 57 nghìn 934 vụ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91 nghìn tỷ đồng; số vụ khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng.
Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được bổ sung và hoàn thiện; công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, địa phương, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Các lực lượng chuyên trách thuộc thành viên BCĐ389/QG tiếp tục được kiện toàn và nâng cao năng lực, phát huy được vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả. Hợp tác quốc tế về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được mở rộng, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn; đã tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm và phối hợp của quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Văn phòng Thường trực BCĐ389/QG đã phát huy được vai trò nòng cốt trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động với các bộ, ngành.
Những kết quả trên là rất quan trọng, đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
BCĐ 389 Quốc gia