Thông tin tại hội thảo Chống gian lận xuất xứ, lần tránh các biện pháp phòng vệ thương mại diễn ra sáng 14/11, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thì kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng từ quốc gia thứ ba, trong đó có Việt Nam, lại tăng vọt.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đứng trước nguy cơ bị “mượn đường”, hàng hoá nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam sang các nước khác để hưởng ưu đãi thuế quan.
Nguyên nhân do Việt Nam là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng khi tham gia hơn 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) với tất cả các nền kinh tế chính; là nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Hoa Kỳ tại Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm...
Lực lượng hải quan đã bắt giữ nhiều vụ hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác
Một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện được chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như xe đạp, kẽm, giày mũ da…
Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Việt Nam - Âu Anh Tuấn cho biết, qua phân tích số liệu thống kê, Tổng cục Hải quan theo dõi có một số mặt hàng tăng trưởng đột biến (trên 25%), trong 6 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ 2018.
Những mặt hàng này bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Sắt thép và sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ.
Cá biệt, một số mặt hàng tăng trưởng mạnh như dây điện tăng 252%, chất dẻo nguyên liệu 147%; máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ là 140%... Đặc biệt là nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là những mặt hàng mà cơ quan hải quan xếp vào nhóm có tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ.
Dẫn chứng nhiều vụ việc mà cơ quan hải quan phát hiện hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất đi nước thứ ba như vụ Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất thủ công, không có máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất.
Theo ông Claudio Dordi, gian lận xuất xứ làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tính tuân thủ cao của Việt Nam, vì hải quan Hoa Kỳ có nguyên tắc chung là quản lý rủi ro.
Theo đó, hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao thì sẽ phải được kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn. Ngoài ra, các quốc gia khác, thị trường cũng cảnh giác với hàng hóa Việt Nam.
Như vậy để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, Hải quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
PV