Tham dự hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có các ông: Đặng Vũ Trân - Quyền vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đại diện lãnh đạo ban, ngành Nông nghiệp và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Vũ Trân, Quyền vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: Phú Hương, BNA)
Tại hội thảo, đại diện ngành nông nghiệp Nghệ An đã trình bày về tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, với diện tích đất nông nghiệp hơn 1,46 triệu ha, 419 km đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào và 82 km bờ biển. Nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền, Nghệ An có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế, có cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tập trung, nhiều cửa khẩu, lối mở; giàu bản sắc văn hóa, tri thức bản địa.
Sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An phát triển, hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn trong ngành sữa, gỗ, mía đường, chăn nuôi…
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; quan tâm hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm… Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020 Nghệ An đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư 3.757 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương, ông Đặng Vũ Trân, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho rằng, tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong mấy tháng đầu năm chỉ chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Thời gian tới, ngành nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương phải tiếp tục tập trung các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
“Tính từ đầu năm đến 16/5/2020, cả nước có 10.425 doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó 651 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cho thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp và thủy sản ít chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, duy trì được tốc độ tăng khá. Đây được coi là kết quả quan trọng từ chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo chủ trương và chính sách của Chính phủ” - ông Đặng Vũ Trân chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An vẫn chưa xứng với tiềm năng
Được biết, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và tạo điều kiện về môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, công tác kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đổi mới, thủ tục hành chính được cắt giảm, công khai hóa nhằm tạo thuận lợi, giảm bớt thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính; đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, đơn giản và điện tử hóa thủ tục; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Hoàng Linh - Lê Quyết