Trà sư Hoàng Văn Luận đang pha trà Shan tuyết cổ thụ
Trà sư Hoàng Văn Luận đang pha trà Shan tuyết cổ thụ (Ảnh: Quỳnh Nga)

Đây là một ngày hội về trà lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn đối với những người yêu trà. Những năm gần đây thú vui “trà đạo” đang nổi lên như một hiện tượng. Hiếm có quốc gia nào uống trà lại có thể đi vào đời sống nhân dân sâu và dầy như ở Việt Nam. Có thể coi trà là “quốc ẩm” của người Việt. Từ nông thôn đến thành thị, từ vỉa hè đến các công ty lớn..., đâu đâu chúng ta cũng thấy người dân uống trà. Trà trở thành cầu nối giữa tình làng xóm, giữa các quan hệ kinh tế và cả giữa những giao duyên. Nên cây trà có thể coi là quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Việt Nam có nền văn hoá trà gắn bó song hành với nền nông nghiệp lúa nước trải qua hơn 5.000 năm. Cây trà ban đầu được xem như thảo mộc có công dụng chữa bệnh, giải độc, lâu dần trở thành thức uống thường xuyên của người Việt. Mật độ trà Việt Nam phủ đều từ các tỉnh phía Bắc với hàng nghìn cây trà cổ thụ hơn 500 năm đến các tỉnh phía Nam với nhiều giống trà ngon và quý.

Ở Việt Nam, Đạo - Thần - Hồn của trà Việt gắn với hoàn cảnh của một đất nước đã trải qua bao cuộc bể dâu của thiên tai, địch hoạ mang đặc trưng của sự hào sảng. Tính dung hợp của người Việt tạo ra sự đa thức trong việc thưởng trà, từ sự chân phương, giản đơn nhất đến sự cầu kỳ, phức tạp. Mỗi kiểu thức gắn với nhân sinh quan, đề cao nghĩa khí, sự chân thành, đối nhân xử thế của con người, điển hình như câu nói “trà nô tửu tướng” thể hiện tâm thế phụng sự, đức tính khiêm cung của người Việt trong văn hoá trà của mình.

Bà Nguyễn Bích Hồng (áo dài đỏ) giám đốc công ty TNHH MTV Hồng Trà đang pha trà Shan Tuyết cổ thụ
Bà Nguyễn Bích Hồng (áo dài đỏ) giám đốc công ty TNHH MTV Hồng Trà đang pha trà Shan Tuyết cổ thụ

Ông Nguyễn Xuân Thắng Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp các hội UNESCO thế giới chia sẻ: “Có thể nói, Trà là một văn hóa hết sức tinh tế, gắn liền đời sống, truyền thống văn hóa của Việt Nam hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, để được UNESCO công nhận, chúng ta phải xây dựng một luận chứng khoa học, chứng minh được rằng nó có nét độc đáo và giàu văn hóa. Đây là nhiệm vụ chúng ta phải làm. Nếu UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể, sẽ là một điều hết sức vinh dự cho trà của Việt Nam. Tôi tin là, chúng ta có đủ điều kiện, đủ yếu tố khoa học, yếu tố văn hóa để chứng minh được điều đó. Văn hóa trà của Việt Nam sớm hay muộn cũng được các bạn quốc tế hết sức đề cao, ngưỡng mộ và sẽ được UNESCO quan tâm, đưa vào xem xét là di sản văn hóa phi vật thể. Đương nhiên, để văn hóa trà Việt Nam được vươn ra thế giới thì không riêng gì UNESCO Việt Nam mà đây là nhiệm vụ của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vừa là kinh tế, vừa là văn hóa, vừa là truyền thông. Về phía mình, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan liên quan đến xây dựng thẩm định hồ sơ, đề trình UNESCO công nhận di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Làm sao có thể giúp đỡ những người hoạt động trong lĩnh vực trà của nhân dân Việt Nam sớm được UNESCO công nhận”.

Với ý nghĩa lớn lao của cây trà trong đời sống nhân dân nên Hồng Trà đã tổ chức ngày hội trà với tên gọi “trà Việt – Di sản Việt” để giới thiệu về một dòng trà mang tên shan tuyết cổ thụ tại hai địa phương lớn là Hải Phòng và Hải Dương.

Sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ được Hồng Trà vinh danh như một di sản trà Việt lần này đến từ HTX Trà Pèng, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang của dân tộc Dao áo dài.

Shan Tuyết có nghĩa là “ tuyết trên núi”. Tên gọi khác là Quốc bảo Việt Nam. Chè  shan tuyết là giống chè cổ thụ mọc trên những dãy núi cao đặc biệt , từng búp chè là  tinh tuý của đất trời Hà Giang dẫy núi Tây Côn Lĩnh .

Và chè Shan Tuyết cổ thụ núi cao có chứa các chất rất quý: các chất chống ung thư, giải độc nhẹ, tăng tuổi thọ, kéo dài tuổi xuân, tăng cường miễn dịch, chống lại quá trình oxy hoá , tốt cho người mỡ máu tiểu đường , ngăn ngừa đột quỵ …

Nếu ai đó từng một lần nhâm nhi ngụm trà Shan Tuyết bạn sẽ khó quên được vị chát đậm nhưng êm, không đắng gắt và đượm vị ngọt hậu của trà. Mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong.

Dưới sự hướng dẫn của các trà sư đến từ công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển thực hiện trong dự án “bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam, tinh hoa trà Việt” đã hướng dẫn bà con dân tộc Dao sản xuất ra phẩm trà Shan tuyết kết hợp giữa sản xuất thủ công truyền thống với các phương thức đặc biệt để tạo ra một phẩm lục trà Shan tuyết cổ thụ không thể lẫn với bất kỳ dòng trà nào khác ở Việt Nam. Thương hiệu mang tên Trà Pèng.

Để tôn vinh những nỗ lực của công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển và HTX Trà Pèng trong việc gìn giữ tinh hoa trà Việt nên Hồng Trà đã tổ chức ngày hội trà để mỗi khách hàng có thể thưởng thức một phẩm trà của chính người Việt rất đậm bản sắc dân tộc. Qua mỗi chén trà là chứa đựng sự đoàn kết các dân tộc anh em trong việc gìn giữ tinh hoa trà Việt, gìn giữ văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Đây cũng chính là nét khác biệt khi người yêu trà đến với Hồng Trà, tại đây khách hàng không chỉ biết đến các hương vị khác nhau của trà mà còn được biết đến các câu chuyện văn hóa dân gian của trà trong đời sống thông qua các ngày hội được tổ chức thường niên hàng tháng tại Hồng Trà.

Đến với Hồng Trà hơn cả thưởng thức trà mà còn là trải nghiệm các câu chuyện “thâm cung” về trà.

Quỳnh Nga(t/h)