tập sách mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, do NXB Hội nhà văn ấn hành (tháng 9/2024). Sách dày 340 trang, khổ 14,5x20,5 cm.
Bìa tập sách mới nhất của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, do NXB Hội nhà văn ấn hành (tháng 9/2024). Sách dày 340 trang, khổ 14,5x20,5 cm.

Trong phần đầu của tập sách, tác giả Tần Hoài Dạ Vũ đã dành nhiều chương viết về bối cảnh sự ra đời và trưởng thành của ông Lê Công Cơ, một cậu bé sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng quê Ái Mỹ, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đó cũng là thời điểm đất nước đang rơi vào hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, đói nghèo, bao nhiêu phận người chìm trong bể khổ trầm luân… Bản thân cậu bé Cơ mẹ mất sớm, cậu cùng các chị em ruột, bị cha gởi gắm đến các gia đình họ hàng quen biết rày đây mai đó giữ trâu, giữ bò để kiếm cơm qua ngày… Dần dà, chị em cậu lớn lên, hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống, bắt đầu biết cách tự mưu sinh, rồi qua lớp học Bình dân học vụ của các anh bộ đội mở dạy, cậu bé Cơ tiếp cận được những con chữ đầu tiên, bắt đầu mở ra một hướng đi mới cho cuộc đời.

Cứ như thế, hướng đời đã định, qua những khúc ngoặc định mệnh, chàng thanh niên Lê Công Cơ trôi dạt vào Sài Gòn, vừa xoay xở mọi công việc vất vả để kiếm tiền ăn học, vừa tham gia hoạt động các nhiệm vụ do cơ sở cách mạng giao phó.  Từ tháng 7/1970, Lê Công Cơ nhận được mật lệnh “về Huế”, thực ra là về lại quê nhà, để trang bị các bước công tác ở đô thị, đó là: “điều tra, tuyên truyền, giao việc, kết nạp vào tổ chức, vận động đấu tranh” cho thanh niên, học sinh và anh đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này tại TP.Đà Nẵng, Hội An, Huế… Tác giả Tần Hoài Dạ Vũ, từng là người hoạt động bí mật trong lòng địch, ở Huế, với sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Công Cơ cho biết: “Phải qua nhiều năm tháng, và nhất là có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều những đồng chí, đồng đội, những người đã từng hoạt động với anh trong các thành phố, giữa vòng vây của kẻ thù, hay đã từng vào sinh ra tử với anh ở những chiến trường ác liệt; chỉ tới khi ấy mới thấy được, chưa phải là đã thấy hết, nhưng là thấy khá trọn vẹn con người anh, cả cái tài và cái tâm, cả cái hùng khí và mưu trí hơn người của anh”. Tuy nhiên, ở quyển sách này, Tần Hoài Dạ Vũ lại còn muốn đi xa hơn, đến tận những nỗi đau đời vì những nỗi hàm oan, những sự quên lãng bội bạc “thì mới thấy hết cái Tài và cái Tâm của anh khi quyết tâm xây dựng cho bằng được ngôi trường Đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung: Trường Đại học Duy Tân”.

Ông Lê Công Cơ
Ông Lê Công Cơ

Là một người hoạt động cách mạng dạn dày, có nhiều cống hiến trong công cuộc chiến đấu dành độc lập tự do cho đất nước; sau ngày hoà bình lập lại, Lê Công Cơ không ngừng hướng đến ngày mai. Đặc biệt, là quyết tâm theo đuổi sự nghiệp giáo dục, dù có những giai đoạn ông từng bị quy kết bao nỗi hàm oan, thậm chí, từng bị đình chỉ công tác, không ăn lương nhiều tháng liền, để mỗi ngày phải ngồi đối mặt, giải trình với cán bộ cơ quan “điều tra”.  Những năm 1980, một trong những may mắn đầu tiên của Lê Công Cơ là được tham gia Quốc hội đầu tiên của một nước Việt Nam đổi mới (nhiệm kỳ 1987-1992). Rồi sau những thành công trong việc xây dựng Công ty Du lịch Đà Nẵng (trong đó có sự ra đời khu Furama Resort). Tiếp theo, từ những việc cho ra đời Trung tâm Anh ngữ tư thục đầu tiên tại Đà Nẵng, rồi trong dịp gặp một người bạn từ nước ngoài về Việt Nam, ông Cơ xin được hai máy vi tính, đã nghĩ đến việc mở tiếp một… Trung tâm Tin học! Rồi từng bước, từ 1986 đến năm 1992, chính những hoạt động của hai Trung tâm trên đã giúp ông nhiều kinh nghiệm quý giá để cùng những người đồng chí hướng tiến đến việc xin Nhà nước thành lập ngôi trường Đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung.

Vượt qua mọi trở ngại, cam go, ngôi trường Đại học tư thục mà ông Cơ mơ ước chính thức ra đời ngày 15/9/1993, gồm 24 thành viên, với cốt lõi chiến lược: “Lấy văn hóa Duy Tân làm nền tảng cho đào tạo và nghiên cứu trên nền nhân văn, hiện đại; thực hiện 5 hóa: “Anh ngữ hóa, Tin học hóa, Chuyên nghiệp hóa, Quốc tế hóa, Trẻ hóa”.  Đến ngày 11/11/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ văn Kiệt ký Quyết định số 666-QĐ/TTg thành lập Trường Đại học dân lập Duy Tân, và đến ngày 2/10/2015, Trường Đại học Duy Tân được chuyển đổi thành Trường Đại học Tư thục Duy Tân. Hiện, Đại học Duy Tân đã tạo nên mối quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học tại Mỹ, góp phần Quốc tế hoá các ngành đào vào nhiều lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Du lịch, xây dựng, Kiến trúc và Y khoa… Từ năm 2018, Trường Đại học Duy Tân mở rộng liên kết và hợp tác với một số  trường tại Hàn Quốc và các công ty lớn như Samsung, Lotte,… cùng trao đổi sinh viên, cùng hợp tác đào tạo sinh viên của đôi bên. Từ năm 2012, Trường Đại học Duy Tân còn hợp tác với Trường Rangsit, Thái Lan, hình thành nên hệ thống P2A (đường đến Asean); đến nay, đã có hơn 130 trường Đại học của 10 nước Asean cùng trao đổi sinh viên và giảng viên, giao lưu học hỏi về văn hoá của mỗi nước. Điều may mắn, bên cạnh sự thành công trong việc sáng lập, xây dựng phát triển Trường Đại học Duy Tân bằng công sức trí tuệ và quyết tâm vượt khó, ông Lê Công Cơ còn có sự góp sức, động viên của người vợ Nguyễn Thị Lộc và về sau này là cả hai người con (Lê Nguyễn Tuệ Hằng và Lê Nguyên Bảo) đều hiếu thảo, tài giỏi. Trong đó, Lê Nguyên Bảo đã bảo vệ thành công ba luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ Công nghệ Thông tin tại Mỹ, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Việt Nam và Tiến sĩ Du lịch tại Hồng Kông. Có lần, ông Lê Công Cơ đã nói với tập thể cán bộ quản lý rằng, dù khó khăn đến mấy, nhà trường cũng luôn cố gắng đầu tư cho các hoạt động Khuyến học – Khuyến tài. Thế hệ chúng ta già rồi, hay cũng đã bắt đầu già rồi. Tương lai của đất nước sẽ do thế hệ trẻ, những chủ nhân mới của đất nước quyết định. Thế hệ trẻ đó phải giỏi, phải có cái tâm và có tầm nhìn rộng và xa…

Trong chương cuối của tập sách Tấm lòng gởi lại mai sau, sau khi nêu câu hỏi: “Phải chăng chính từ những hoạt động mang lại hiệu quả phục vụ xã hội về mặt giáo dục – mà Lê Công Cơ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới?” tác giả Tần Hoài Dạ Vũ tự trả lời, lẽ ra Lê Công Cơ phải được phong tặng Anh hùng từ trong chiến tranh, hay đúng hơn là khi vừa chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, bởi : “trong cuộc đời này làm gì có sự công bằng và chính xác tuyệt đối, sao chúng ta có thể đòi hỏi sự hoàn hảo, toàn mỹ?”. Và cũng theo tác giả: “Với tôi, chỉ riêng việc vẫn muốn sống tiếp một giấc mơ, là hướng Đại học Duy Tân tới một Đại học hạnh phúc của anh Lê Công Cơ đã đủ cho chúng ta phải ngả mủ, cúi đầu bội phục!”.

“Đến với Trường Đại học Duy Tân là bạn đã đến với cái “Tài” của chính mình, cái “Tâm” của người thầy, cái “Tình” của bè bạn và đặc biệt là cái “Đức” của người lãnh đạo. Nơi mà, mỗi thế hệ sinh viên Trường Đại học Duy Tân khi tốt nghiệp ra trường đều ngân vang câu hát “Ngày mai có đi xa vẫn nhớ về nơi ấy – mảnh đất trồng người – Đại học Duy Tân”  Anh hùng lao động Lê Công Cơ.

       Trần Trung Sáng