Ngân hàng Trung ương Nga ngừng mua ngoại tệ, đồng rúp tăng giá trị

Sputnik ngày 23/8 đưa tin, Ngân hàng Trung ương Nga ra tuyên bố quyết định dừng mua ngoại tệ - chủ yếu là đồng USD - cho đến cuối tháng 9, nhằm đáp ứng chính sách tiền tệ của Bộ Tài chính nước này.

"Ngân hàng Trung ương Nga quyết định không mua ngoại tệ trên thị trường nội địa từ ngày 23/8 cho đến cuối tháng 9/2018 như một phần của việc thực hiện quy định về cơ chế quản lý tài chính", tuyên bố ghi rõ.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, thì “quyết định này được thực hiện là nhằm hỗ trợ khả năng điều hành của chính phủ trong chính sách tiền tệ, từ đó ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực trên thị trường tài chính của nước Nga”.

Nga tìm ra cách mới rời bỏ đồng USD? - Hình 1

Đồng RUB được giải cứu mà không cần chính phủ Nga bơm USD ra thị trường

Hồi đầu tháng này, đồng ruble (RUB) đã có sự sụt giảm giá trị nhanh chóng so với đồng USD, sau khi Mỹ công bố một loạt lệnh trừng phạt Nga vì cho rằng Moscow có liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang Skripal nghi bị đầu độc tại Anh.

Tính đến chiều 23/8 (theo giờ Nga), đồng ruble giảm xuống còn 69 RUB/1 USD  - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016, thời điểm Nga chịu tác động khắc nghiệt nhất từ trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc đồng RUB lao dốc khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải can thiệp và đó là việc tạm dừng mua ngoại tệ - chủ yếu là USD.

Quyết định trên đã ngay lập tức giúp đồng RUB tăng giá trị trở lại và được giao dịch ở mức 67,92 RUB/1 USD.

Như vậy, việc Ngân hàng Trung ương Nga dừng mua ngoại tệ dường như chỉ là để cứu đồng RUB và là sự đối phó bị động của chính phủ Nga với trừng phạt của Mỹ nhằm tránh lặp lại cú sốc tài chính năm 2014.

Chính phủ Nga đã có kế hoạch tăng cường mua ngoại tệ trong năm 2018 nhằm đối phó với sự biến động của đồng RUB có thể bị tác động tiêu cực bởi những sự kiện kinh tế-chính trị trong nước và tác động bất lợi từ trừng phạt của Mỹ-phương Tây.

Còn nhớ ngày 26/12/2017, Bộ Tài chính Nga cho biết đã quyết định bổ sung nguồn tài chính vào quỹ dự trữ ngoại hối và tạo mức đệm an toàn cho đồng nội tệ qua thiết lập quy tắc ngân sách mới, Reuters tường thuật.

Theo kế hoạch, chính phủ Nga sẽ dùng nguồn thu có được từ mức đệm tài chính an toàn - thu từ nguồn xuất khẩu dầu thô từ giá trên 40 USD/thùng - mua USD và ngoại tệ mạnh khác.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết chính phủ nước này dự kiến sẽ chi khoảng 2 nghìn tỷ RUB (35 tỷ USD) để mua ngoại tệ trong năm 2018, nếu giá dầu thô ở mức 54-55 USD/thùng. Và giá dầu càng cao thì lượng ngoại hối mua càng lớn.

Nga tìm ra cách mới rời bỏ đồng USD? - Hình 2

Tổng thống Putin đã chuẩn xác khi không chọn đáp trả, mà chọn hoá giải trừng phạt của Mỹ

Việc chính phủ Nga tăng mua ngoại tệ - chủ yếu là đồng USD - cho thấy đồng RUB chưa thể thoát ra khỏi hệ thống hối đoái được xây dựng quanh đồng USD và nền kinh tế-tài chính Nga chưa thể chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Vậy mà đùng một cái, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố dừng mua ngoại tệ, mà lại với lý do cứu đồng RUB và hỗ trợ chính sách tiền tệ của chính phủ Nga.

Rõ ràng chính phủ Nga đã đảo ngược ngay kế hoạch bình ổn thị trường tài chính của mình.

Nga đã tìm ra cách rời bỏ đồng USD mà lại tránh được thiệt hại?

Từ trước tới nay, mỗi khi đồng nội tệ của một quốc gia nào đó bị sụt giảm giá trị quá lớn so với đồng USD thì để cứu đồng nội tệ, chính phủ quốc gia ấy luôn chọn tung đồng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối ra bán để cân bằng cung-cầu USD.

Việc chính phủ Nga ứng phó với cú sốc tài chính năm 2014 hay việc chính phủ Trung Quốc ứng phó với cú sốc chứng khoán-tiền tệ năm 2015 là những ví dụ cụ thể.

Tuy nhiên, lần này chính phủ Nga không tung USD dự trữ ra bán, mà chỉ tạm dừng mua.

Và chỉ cần Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố tạm dừng mua USD và các ngoại tệ mạnh khác là đồng RUB đã được cứu, thị trường tiền tệ Nga đã được ngăn chặn việc có thể rơi vào một cú sốc lớn. Hiệu ứng đó nói lên điều gì?

Thứ nhất, USD và các loại ngoại tệ mạnh khác đã không còn khan hiếm trên thị trường tài chính nước Nga - điều quan trọng nhất có thể gây ra các cú sốc tài chính hay nghiêm trọng hơn nữa là khủng hoảng tiền tệ.

Khi chưa thể thoát khỏi cơ chế hối đoái xoay quanh đồng USD thì việc khan hiếm USD trên thị trường tiền tệ sẽ luôn là một thách thức cho các chính phủ trong quản lý - điều hành và giữ ổn định cho nền tài chính quốc gia.

Các chính phủ tung đồng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối ra bán để cứu đồng nội tệ là giúp giải toả tình trạng khan hiếm USD. Khi chính phủ Nga không cần USD, mà chỉ dừng mua, cho thấy thị trường tiền tệ nước Nga không còn thiếu USD.

 Nga tìm ra cách mới rời bỏ đồng USD? - Hình 3

Chính phủ Nga đã có chính sách tiền tệ chính hợp lý

Việc thị trường không còn khan hiếm USD, dù do nguyên nhân nào, cũng tạo ra một rào cản vững chắc đối với các hiệu ứng tiêu cực từ trừng phạt của Mỹ gây ra cho nền kinh tế Nga và ngăn chặn một cú sốc với nền tài chính nước Nga.

Rõ ràng, kể từ sau khi xảy ra cú sốc trên thị trường tài chính năm 2014, chính phủ Nga đã xây dựng được chính sách tiền tệ rất chuẩn xác, đảm bảo cho nền kinh tế-tài chính của nước Nga có thể vận hành trơn tru trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Thứ hai, tác động từ cơ chế hối đoái xoay quanh đồng USD với nền tài chính Nga đã không còn mạnh mẽ như trước nữa, sau khi chính phủ Nga xây dựng chính sách tiền tệ theo hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Xin nhắc lại ngày 7/8/2017, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cho biết Nga sẽ tăng tốc giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD, khi giải quyết nhu cầu thanh toán trong các hoạt động tài chính - thương mại.

"Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD. Nếu không thay đổi, chúng tôi luôn như ngồi trên đòn bập bênh của họ, phục vụ cho lợi ích của họ", ông Ryabkov lý giải.

Nga đã đưa ra hệ thống thanh toán mới - gọi là Mir - để giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của phương Tây như Visa và MasterCard, sau khi các nhà khai thác ngừng cung cấp dịch vụ này nhằm tuân thủ luật trừng phạt Nga của Mỹ.

 
Nga tìm ra cách mới rời bỏ đồng USD? - Hình 4

Việc xây dựng cơ chế thanh toán bằng đồng RUB đã bắt đầu có tác hiệu tích cực với kinh tế Nga

Hơn 380 ngân hàng tại Nga đã chấp nhận thẻ Mir. Tất cả các điểm thương mại và dịch vụ, bao gồm quán cà phê, cửa hàng, nhà hàng và trạm xăng đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ Mir.

Đó vốn chỉ là biện pháp bất đắc dĩ của Moscow trước việc Mỹ luật hóa trừng phạt Nga, song dường như sau một năm áp dụng, sự bất đắc dĩ đó không chỉ tạo ra hàng rào bảo vệ nền tài chính Nga, mà còn giúp nền kinh tế Nga dần độc lập với USD.

Khi chính phủ Nga không sử dụng biện pháp quen thuộc để cứu đồng RUB mà vẫn đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, cho thấy dường như Moscow đã tìm ra cách rời bỏ đồng USD mà không phải gánh chịu những thiệt hại to lớn cho sự việc này.

Theo Baodatviet