EU và NATO đã cáo buộc Moscow đứng sau một loạt các sự cố nhằm gây bất ổn cho phương Tây, vì hai bên đang bất đồng quan điểm liên quan chiến dịch quân sự của Điện Kremlin tiến hành ở Ukraine.
Trong những tháng gần đây, chính quyền ở một số quốc gia EU — bao gồm Đức, Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia — đã báo cáo phát hiện ra các âm mưu hoặc sự cố, bao gồm cả các cuộc tấn công đốt phá và đổ lỗi do Moscow chủ mưu.
Chẳng hạn, hồi tháng 5, tháng tờ Guardian (Anh) đưa tin một loạt vụ hỏa hoạn bí ẩn và các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở hạ tầng ở các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), Đức và Anh, như vụ hỏa hoạn bất ngờ bùng phát tại trung tâm mua sắm của hãng nội thất IKEA ở Vilnius, Lithuania; Vụ hỏa hoạn gây cháy hàng trăm quầy hàng tại trung tâm thương mại Marywilska 44 - lớn nhất thủ đô Warsaw, Ba Lan...
Giới truyền thông cho biết, các nhà điều tra vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có thể chứng minh rõ ràng Nga can thiệp vào các vụ hỏa hoạn và phá hoại nói trên, chủ yếu là nghi vấn do kẻ phá hoại nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh ở châu Âu tin rằng, đây chính là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm gây rối tình hình của lục địa già - những đồng minh luôn ủng hộ Ukraine.
Hay Evil Corp - một nhóm tin tặc từng được coi là "mối đe dọa tội phạm mạng đáng kể nhất trên thế giới" và cho là có liên quan tới Moscow, bị cáo buộc do thám các đồng minh NATO theo lệnh của các cơ quan tình báo Nga. Tung lệnh trừng phạt tài chính nhằm vào các thủ lĩnh của Evil Corp, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết, "Các lệnh trừng phạt này gửi một thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin rằng, chúng tôi sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công mạng của Nga — dù là từ chính nhà nước hay từ hệ sinh thái tội phạm mạng của họ".
Cuối cùng, kết thúc cuộc họp các đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU, Brussels đã chấp thuận việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới để áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với những người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công được cho là có liên quan Nga.
Sau khi văn bản trừng phạt được chính thức ký vào tuần tới, phương Tây có thể bổ sung thêm tên của các điệp viên hoặc thực thể cụ thể của Nga vào danh sách đen, các nhà ngoại giao EU cho biết.
Theo đó, các quan chức châu Âu tin rằng, hành động của Nga một phần nhằm làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Kiev, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 2,5 năm.
Các quốc gia EU — cùng với Mỹ — đã cung cấp phần lớn sự hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Cũng trong thời gian đó, EU đã áp đặt 14 vòng trừng phạt đối với các thực thể Nga, dù là cá nhân hay tổ chức.
Trong nỗ lực hạn chế “các hoạt động ác ý của Moscow”, một số quốc gia EU do Praha dẫn đầu đã thúc đẩy việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn các nhà ngoại giao Nga di chuyển tự do trong khối.
Cho đến nay, vẫn chưa có sự đồng thuận về động thái này, trong khi Hungary — đồng minh thân cận nhất của Moscow trong khối — gần đây đã khiến các thành viên EU khác thêm khó chịu khi nới lỏng các quy định về thị thực đối với người Nga.
Hồi đầu tháng 7, cùng thời điểm Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU và chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tới Nga, Budapest đã mở rộng chương trình thị thực cho công dân từ Nga và Belarus. Trước đó, Chương trình nhập cư Thẻ quốc gia của Hungary này đã được áp dụng cho những người nộp đơn từ các quốc gia khác như Ukraine, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro và Serbia, cho phép "khách lao động" ở lại quốc gia này trong 2 năm, có thể gia hạn thêm 3 năm nữa và có thể mở đường cho quyền thường trú.
Sau đó, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Hungary giải thích về quyết định này, do lo ngại "có thể dẫn đến việc lách luật" các hạn chế của khối và làm suy yếu các tiêu chuẩn an toàn trên toàn Khu vực Schengen miễn hộ chiếu.
Phản hồi yêu cầu của Brussels, Budapest bác bỏ những lo ngại trên, đồng thời tuyên bố, chương trình Thẻ quốc gia mở rộng cho công dân Nga và Belarus - sẽ được cấp "theo khuôn khổ EU và sẽ cân nhắc đúng mức các rủi ro an ninh quốc gia và an ninh của toàn bộ khu vực Schengen".
Về phía phương Tây, nhằm củng cố các lệnh trừng phạt đối với Nga, ngày 24/9, Cơ quan Ngoại giao Mỹ cho biết, các quốc gia thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã công bố hướng dẫn chung đầu tiên đối với ngành công nghiệp, nhằm mục đích ngăn chặn việc trốn tránh kiểm soát xuất khẩu và lệnh trừng phạt áp dụng đối với Moscow, cũng như các hành động nhằm thu thập các thành phần cần thiết cho hệ thống sản xuất vũ khí.
Quan chức phụ trách xuất khẩu của chính phủ Mỹ cho rằng, các nỗ lực chống chuyển hướng của G7 không thể thành công nếu không có sự hợp tác của ngành công nghiệp. Đó là lý do tài liệu hướng dẫn đầu tiên này được thiết kế riêng nhằm cung cấp cho toàn ngành công nghiệp G7 thông tin cần thiết để xác định và ứng phó với “các chiến thuật lách luật” của Nga.
Về phía Nga, bên lề Tuần lễ năng lượng Nga hồi tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cảnh báo, nước này có thể chặn dòng chảy các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược đến các quốc gia được cho là “không thân thiện” khi chính phủ cân nhắc các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, lệnh cấm xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng sang các nước phương Tây có thể bao gồm "danh sách dài các sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường toàn cầu".
Theo Moscow Times, Worldecr