Tàu USS Gabrielle Giffords (phía trên) theo sát tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 1/7 (Ảnh do Hải quân Mỹ công bố)
“Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại về quyết định của Trung Quốc nhằm tiến hành cuộc tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7”, Lầu Năm Góc viết trong thông cáo ngày 2/7.
Thông báo cho rằng, hoạt động trên của Trung Quốc “đi ngược với các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và duy trì ổn định. Các hành động của Trung Quốc sẽ làm gia tăng sự mất ổn định tình hình ở Biển Đông. Các cuộc tập trận như vậy cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc đối với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm tránh các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định”.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm, cuộc tập trận trên là hành động mới nhất trong hàng loạt hành động của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền phi pháp và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông và tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó các quốc gia dù lớn hay nhỏ được đảm bảo về chủ quyền, không bị cưỡng ép và có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận”.
“Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và hi vọng rằng Trung Quốc sẽ dừng các hành động quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng trên Biển Đông”, thông báo nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ra thông báo cho biết, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận kéo dài 5 ngày tại ở khu vực quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 1/7.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai, bà Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo dantri.wwwiso.com