Trong khi liên tục khai lỗ lớn, một số doanh nghiệp (DN) vẫn có tốc độ tăng doanh thu hằng năm cao, sản xuất, kinh doanh liên tục mở rộng, nhiều DN đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu. Thực trạng này minh chứng, dường như vẫn chưa có liều thuốc đặc trị cho “ bệnh” chuyển giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI). Theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan thuế và hải quan đã “lơ là” trong công tác kiểm tra, thanh tra, nên thất thu cho ngân sách nhà nước ( NSNN) rất lớn…

Đã tăng cường chống chuyển giá…

Theo tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan này đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết. Đây là kết quả bước đầu của việc kiểm soát các hoạt động chuyển giá của DN. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá đã từng bước xây dựng làm cơ sở cho công tác thanh tra giá chuyển nhượng đổi với các ngành nghề có rủi ro cao về thuế thu nhập DN  như: Sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giày dép, đồ uống…

Tổng cục Thuế nhận định, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia, thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà xảy ra ở nhiều quốc gia  trên thế giới, kể cả quốc gia đang phát triển. Đây là vấn đề “nóng” đã được đưa ra bàn thảo tại nhiều hội nghị quốc tế như: Hội nghị các nước G8, G20, Diễn đàn thuế quốc tế…

Từ đầu năm 2013 đến nay, việc tăng cường kiểm tra của ngành thuế đã tạo ra hiệu ứng mạnh, số lượng các DNFDI  kê khai thua lỗ giảm. Trong chín tháng đầu năm  2013, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.223 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá; truy thu, truy hoàn 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng. Để hạn chế tình trạng chuyển giá nhằm chốn tránh nghĩa vụ thuế của các DNFDI, từ tháng 5 – 2012, Bộ Tài chính đã phê duyệt chương trình hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cam kết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế như: Hoàn thiện thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế thỏa thuận trước phương pháp xác định giá (APA)  giữa cơ quan thuế với DN nhằm tạo sự chủ động cho DNFDI trong việc lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đào tạo kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá về kỹ năng quản lý giá chuyển nhượng, bài tập tình huống… Tổng cục Thuế sẽ phối hợp Tổng cục Hải quan trong công tác xác định giá trị máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu tại khâu nhập khẩu (NK), ngăn chặn các DN khai báo giá NK cao với mục đích tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận để giảm số thuế phải nộp trong nội địa; rút ngắn thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

DNFDI vẫn … khai lỗ

Sau “ cú sốc” Coca Cola, Keangnam vina, đến nay các chính sách về chống chuyển giá vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng “ kiến nghị nghiên cứu xây xựng”. Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả đợt thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách Nhà nước tại khu chế xuất và DN chế xuất vừa tiến hành trên địa bàn TP  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy nhiều vấn đề bất cập, cũng như từng DN cụ thể, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tình trạng DNFDI liên tục khai lỗ lớn.

Tại Đồng Nai, trong danh mục DN khai lỗ lớn được kiểm tra đợt này có: Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia với mức lỗ lũy kế ba năm là hơn 430 tỷ đồng; Công ty TNHH Kureha Việt Nam với mức lỗ lũy kế ba năm là 264 tỷ đồng; Công ty TNHH Olympus Việt Nam với mức lỗ lũy kế hai năm lad 256 tỷ đồng… TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng “ đóng góp” hai đại diện bao gồm: Công ty TNHH Freetrend Industriala Việt Nam ( TP Hồ Chí Minh) với mức lỗ hai năm là hơn 222 tỷ đồng; Công ty TNHH Saigon Stec(Bình Dương) với mức lỗ lũy kế ba năm hơn 218 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, tổng số tiền thuế được xem xét, xử lý tại TP Hồ Chí Minh là 38.095 triệu đồng, Đồng Nai là hơn 1.350.000 USD, Bình Dương là 1.254 triệu đồng và Hà Nội là 5.193 triệu đồng… tổng cộng gần 60 tỷ đồng được xem xét, xử lý. Đó là chưa tính đến khoản thuế thu nhập DN khoảng 19.701 triệu đồng và số lỗ tăng thêm 21.527 triệu đồng đang để cơ quan thuế điều chỉnh. Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hải quan xem xét, xử lý đối với các DN về việc đăng ký, điều chỉnh mức nguyên liệu, vật tư NK, việc chậm thanh khoản, đăng ký, điều chỉnh mức nguyên liệu, vật tư và đăng ký sản phẩm xuất khẩu( XK), thanh lý tài sản, vật tư hàng hóa không làm thủ tục hải quan…

Trong bối cảnh khai lỗ liên tục và lớn, một số DN vẫn có “ tốc độ tăng doanh thu hàng năm cao , hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều DN đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu”. Cơ quan thanh tra cho rằng, việc sản xuất kinh doanh, kinh doanh của DN chế xuất không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó “có nguyên nhân từ việc chuyển giá trong giao dịch liên kết”. Tình trạng này “ không chỉ gây thất thu NSNN, mà còn tạo sự mất công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác”.

“Lỗ hổng” ngay trong văn bản pháp lý

Bản kết luận thanh tra này được hoàn thành từ tháng  9 – 2013  và đến cuối tháng 1 – 2014 mới chính thức công bố. Câu chuyện về chuyển giá của DNFDI  không mới và Bộ Tài chính cũng đã có tới hai thông tư nhằm đối phó với việc chuyển giá thông qua việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết. Tuy nhiên, Thanh tra chính phủ vẫn khẳng định là kết quả xử lý của cơ quan thuế rất hạn chế trong đấu tranh với việc chuyển giá. Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân là do “ không thể xác minh tại nước ngoài đối  với dữ liệu, thông tin về dữ liệu chuyển giá của DNFDI, trong đó có DN chế xuất”. Về phía chủ quan của các cơ quan “ gác cổng ngân sách”, Thanh tra Chính phủ cho rằng: “ Sự phối kết hợp giữa các cơ quan  thuế và cơ quan Hải quan còn lỏng lẻo trong việc xác định căn cứ về trị giá tính thuế”. Nhìn chung, “ công tác thanh tra , kiểm tra đối với các DN chế xuất của cơ quan thuế, hải quan còn ít , chưa thường xuyên và liên tục. Kết luận của Thanh tra Chính phủ dẫn chứng: “ trong ba năm liền Cục Hải quan Hà Nội không tổ chức thanh tra, kiểm tra. Năm 2009, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai không thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các DN chế xuất…”.

Theo Thanh tra Chính phủ, lỗi không nhỏ gây thất thu  NSNN từ các DN chế xuất cũng như hạn chế  trong việc phát hiện chuyển giá của các DN FDI bắt nguồn từ chính các văn bản pháp lý do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Như một số trường hợp “quy định của pháp luật đối với DN chế xuất còn thiếu sự thống nhất với quy định của pháp luật về thương mại. Cụ thể là việc thực hiện quyền XK, quyền NK, việc xử lý phế liệu, phế phẩm, tài sản thanh lý thuộc diện cấm NK, thuế mua ô – tô từ thị trường nội địa, việc tái xuất tại chỗ đối với nguyên liệu NK theo loại hình sản xuất XK…” sự thiếu thống nhất đã gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn khi hướng dẫn thi hành thực hiện cũng như việc áp dụng trong thực tế.

Thanh tra chính phủ còn phát hiện Bộ tài chính đã vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi dùng công văn để sửa đổi hướng dẫn trong Thông tư 130/2008 hướng dẫn về thuế thu nhập DN đối với thu nhập khác… Ngoài ra, Bộ Tài chính còn ban hành nhiều công văn hướng dẫn cho từng DN cụ thể về việc xác định doanh thu, thu nhập chịu thuế, thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN không đúng, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các DN. Theo phía Thanh tra Chính phủ, việc hướng dẫn chính sách thuế sai là do trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ ngành thuế còn non kém và công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính chưa chặt chẽ…

Đối với các “lỗ hổng” quản lý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quạn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thương mại vốn còn nhiều bất cập. Nghiên cứu bổ sung các quy định, chính sách nhằm phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá của DN chế xuất gia công hàng XK nói riêng và DNFDI nói chung…Bộ tài chính cần kiểm điểm trách nhiệm và xử lý đối với các cá nhân có sai phạm, khuyết điểm…

Theo Thời Nay