Tại Việt Nam, khái niệm “kinh tế biển xanh” lần đầu tiên được làm rõ trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố tháng 5/2022. Theo đó, kinh tế biển xanh là nền kinh tế sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, cũng như “sức khỏe” hệ sinh thái biển.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, rộng trên 1 triệu km2, trải dài qua 28 tỉnh, thành phố nên kinh tế biển được xác định là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia.
Kinh tế biển Việt Nam với đa ngành gồm: Kinh tế hàng hải, vận tải đường biển, phát triển cảng biển, đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác tài nguyên khoáng sản biển, dầu khí và công nghiệp chế biến dầu khí, dịch vụ đường biển, tìm kiếm, cứu nạn, năng lượng gió, du lịch biển và hải đảo...
Việt Nam có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000 ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp. Ngoài ra, du lịch biển là ưu thế đặc biệt với 125 bãi biển lớn nhỏ, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế... nắng ấm quanh năm, không khí trong lành cùng nhiều cảnh quan đẹp là điều kiện lý tưởng để Việt Nam xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Phát huy những lợi thế này, du lịch biển hằng năm đóng góp khoảng 70% doanh thu của ngành du lịch cả nước.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo khẳng định, lịch sử phát triển thế giới gắn với đại dương và biển, nhưng kinh tế biển và đại dương cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các đặc trưng cơ bản: Khan hiếm nguyên nhiên liệu, tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, cạnh tranh thị trường...
Thế giới cũng chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển hiệu quả và bền vững. Đó là, chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên “tươi sống, dạng thô” sang chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên vật chất sang khai thác các giá trị chức năng, giá trị không gian của các hệ thống tài nguyên biển, trong đó có các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển và đại dương.
Tại Việt Nam, báo cáo giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV mới đây chỉ rõ, một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; người dân chưa hình thành thói quen trong bảo vệ môi trường biển, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường biển và hải đảo còn ít, hiệu quả thấp; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự cố môi trường trên biển còn nhiều hạn chế…
Vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, trong một thế giới chuyển đổi xanh, đòi hỏi các quốc gia có biển, đảo, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển chuyển từ “nâu” sang “xanh” để giải quyết những thách thức của kinh tế biển truyền thống nêu trên.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Thời gian qua, Đảng ban hành hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển, là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta.
Theo đó, Nghị quyết 36 xác định rõ quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển”. Trong đó nhấn mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng Việt Nam.
Mới nhất, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2024) đã thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó phân bổ, sắp xếp hợp lý không gian biển cho các ngành, lĩnh vực trong khai thác, sử dụng tài nguyên không gian biển, kinh tế biển theo hướng bền vững...
Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới. Dọc bờ biển, hơn 100 điểm xây dựng được hải cảng, đặc biệt là cảng nước sâu quy mô lớn. Đến nay, nước ta đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia; phát triển 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển…
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi thông tin, để thực hiện thành công chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết 36 đòi hỏi phải thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược về: thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, khoa học - công nghệ biển cùng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực biển và hệ thống cơ sở hạ tầng “đa dụng”.
Các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Việt Nam cần khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc liên kết quốc tế và đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ biển là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các nguồn năng lượng tái tạo biển như: năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, năng lượng mặt … nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam.
PGS.TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III) khẳng định: Kinh tế biển nước ta đã chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh. Đầu tiên, phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế biển.
Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển nhấn mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển cần quan tâm tới ngành vận tải biển và logistic, khai thác dầu, cần mạnh dạn đầu tư nguồn nhân lực, nghiên cứu chính sách, điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn.
Tiến sỹ Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, để thực hiện thành công chiến lược theo Nghị quyết 36 phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản, đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào ba khâu đột phá trong Nghị quyết 36, về lợi ích của hoạt động phát triển kinh tế biển xanh đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng biển.
Việc phát triển kinh tế biển xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các nguồn vốn biển tự nhiên đang được xem là một giải pháp tất yếu, căn cơ và bền vững đối với Việt Nam.
Số liệu từ Cục Biển và hải đảo thể hiện: Biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản, trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa.
Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú và khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế như: ngư trường đánh bắt rộng lớn với hơn 2.000 loài cá; trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển.
PV (t/h)