Từ trái qua: Ông Nguyễn Anh Trí, ông Bùi Văn Phương, bà Phạm Thị Minh Hiền, ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan.
Cần xem xét thêm nhiều nội dung cơ bản
(Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội)
Tiếp xúc với rất nhiều người, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, ủy viên Trung ương Đảng… tôi đều thấy họ có cảm giác chung là hài lòng, hân hoan khi hay tin Chính phủ đề nghị chưa thông qua dự án Luật Đặc khu tại kỳ họp Quốc hội lần này. Bản thân tôi cũng vậy, bởi đây là một quyết định rất kịp thời và hợp lòng dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chung, thể hiện Quốc hội, Chính phủ rất lắng nghe nhân dân.
Tôi cũng lưu ý thêm là Chính phủ, Quốc hội phải xem xét thêm các nội dung cơ bản của dự án luật này. Ví dụ, đầu tư ở địa điểm nào, tại sao không có những ưu đãi để tiếp tục thúc đẩy hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM? Cần những ưu đãi gì để không ảnh hưởng đến lãnh thổ của chúng ta? Sau khi vận hành, đặc khu mang lại lợi ích kinh tế như thế nào?...
“Việc xin lùi thông qua Luật Đặc khu là quyết định đúng đắn”
(Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình)
Luật Đặc khu là vấn đề rất lớn, các đại biểu Quốc hội hôm vừa rồi thảo luận vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, tranh luận làm rõ. Vì đây là vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, khi vấn đề còn chưa đủ “độ chín” thì việc Chính phủ xin lùi để tiếp tục chuẩn bị và sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm thì đây là quyết định rất đúng đắn.
Dừng thông qua dự luật là “cầu thị và tôn trọng nhân dân”
(Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên)
Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân "bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng nhân dân". Đây là tín hiệu rất tốt, hi vọng người dân sẽ phần nào yên tâm, tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.
Một đạo luật khi được thông qua có thể không nhận được sự thống nhất tuyệt đối nhưng nhất định phải đạt được sự đồng thuận cao, hài hòa giữa ý chí của nhân dân với ý chí của Đảng, Nhà nước. Bởi lẽ, nhân dân là một bộ phận xã hội có tính phản biện sâu sắc nhất về luật và chính sách. Về dự thảo Luật này đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về dấu hiệu tham nhũng chính sách ngay từ khâu tham mưu, soạn thảo dự luật.
Nếu không sáng suốt nhận diện và đón nhận những ý kiến phản biện khoa học dẫn đến luật ban hành sai, không hài hòa lợi ích thì trách nhiệm đầu tiên chính là Quốc hội và từng đại biểu. Có những dự luật trình ra nhiều kỳ họp vẫn khiến dư luận "dậy sóng" đã làm cho cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu khác băn khoăn, nghi ngại trong việc tham mưu xây dựng luật.
Tôi cho rằng đại biểu không thể cho phép mình bỏ qua những yêu cầu quan trọng trong quá trình tham gia xây dựng luật, nếu xem nhẹ việc bấm nút, biết đâu sẽ gây ra nguy hại cho xã hội, cho đất nước.
Lo ngại cuộc đua đòi đặc quyền
(TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương - CIEM)
Quyết định lùi thời gian thông qua dự Luật Đặc khu là quyết định sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Tôi coi đây là chỉ dấu lãnh đạo đã lắng nghe các ý kiến đóng góp chân thành, xây dựng và rất nghiêm túc của các chuyên gia, hiệp hội và đông đảo người dân và tôi đánh giá đây là bước đầu đầy hy vọng cho quá trình xem xét lại rất nghiêm túc về Dự thảo Luật này.
Tôi đề nghị nên có tổng hợp rất đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp và công bố, quá trình soạn thảo bổ sung luật nên mở rộng bao gồm những người đã có đóng góp ý kiến, đại diện hiệp hội và quá trình soạn thảo công khai, minh bạch mời báo chí tham gia đưa tin đầy đủ. Vì Luật này được quần chúng quan tâm, quá trình soạn thảo được công khai bao nhiêu được ủng hộ của người dân nhiều hơn bấy nhiêu, đóng góp cho sự nhất trí của người dân với lãnh đạo đảng, Nhà nước.
Dự thảo đang xây dựng với 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, theo tôi cần thảo luận và xem xét lại vì các luật của Việt Nam được ban hành cho cả nước và áp dụng cho tất cả các công dân, đây là lần đầu tiên có luật cho 3 đặc khu. Nếu như chỉ có luật về 3 đặc khu tôi e ngại rằng rất nhiều địa phương khác sẽ ý kiến và sẽ có cuộc đua đòi đặc quyền. Do đó, cần cơ chế thống nhất theo đúng cam kết quốc tế, đây là điều suy nghĩ ngay từ đầu có thể ban hành luật chung về đặc khu rồi sau đó là Nghị quyết của Quốc hội áp dụng cho riêng 3 đặc khu này.
Về thời gian cho thuê đất 99 năm, tuổi thọ của doanh nghiệp hiện đã bị rút ngắn đi rất nhiều. Trước kia theo tính toán, theo dõi, đầu thế kỷ 20, các doanh nghiệp có thể thọ tới 70 năm với 1 mô hình, nhãn hiệu nào đó còn bây giờ tuổi thọ có thể là 20 năm vậy họ cần đâu đến 70 hay 99 năm. Việc kéo dài thời gian coi như bày tỏ thiện chí của mình là không cần thiết, do đang ưu đãi vào điểm không còn là ưu tiên cao của doanh nghiệp...
Luật còn quá nhiều vấn đề để nói
(Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế)
Việc Chính phủ xin lùi thông qua Luật Đặc khu tôi nghĩ tất cả mọi người đều hoan nghênh. Bản thân tôi cũng rất hoan nghênh quyết định đó của Chính phủ. Việc dừng lại là tốt.
Bây giờ việc tiếp theo sau khi dừng lại là Chính phủ nên mời các chuyên gia, những người có ý kiến về đặc khu để họ bày tỏ trăn trở về những điều chưa tốt để đưa vào luật. Chính phủ nên ngồi với họ, lắng nghe họ, phân tích kỹ càng hơn, từ đó xây dựng một luật mới tốt hơn.
Về việc xây dựng luật này, tôi đã nhiều lần trả lời trên báo chí, viết bài bày tỏ quan điểm của mình. Luật còn quá nhiều vấn đề để nói. Tôi mong rằng, kỳ họp tới sẽ có một dự luật tốt hơn rất nhiều, đảm bảo yêu cầu các mặt, nhằm phát triển đột phá gắn với bảo vệ đất nước, thực hiện nguyện vọng của nhân dân.
Theo BizLive