Theo đó, 10 tháng năm 2024, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa giảm so cùng kỳ năm 2023.
Lượng lượng chức năng cho biết, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng. Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.
Lực lượng Quản lý thị trường đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.
Đặc biệt, thời gian qua, số vụ vi phạm bị xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Trong số các mặt hàng vi phạm, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.
Liên quan đến các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688), Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyễn Kiên