Luật Đất đai phải là 'tâm tư, tiếng nói' của người dân ở các vùng, miền khác nhau
Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu lên tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở 26 tỉnh, thành phố phía bắc, chiều 25/2.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn.
Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật trong các tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp… một cách thiết thực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy nguồn lực này để phát triển kinh tế nhằm thực hiện hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. "Đây chính là thước đo về năng lực thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đất đai", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đổi mới, đột phá và đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai sâu rộng đến từng thôn, xóm, tổ dân phố nhằm ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân.
Các địa phương đã triển khai tổ chức xin ý kiến nhân dân, bám sát tinh thần nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều hình thức hết sức phong phú, nội dung hết sức thiết thực để từng người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước về đất đai, cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
"Đây là phong trào sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng để các tầng lớp nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ xây dựng các chính sách về đất đai ngày càng tiến bộ để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển", Phó Thủ tướng nói.
Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm Nhà nước và người dân trong sở hữu đất đai
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục lắng nghe, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hóa, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân trong sở hữu, sử dụng đất đai. Từ đó, làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý đất đai, trên cơ sở đó thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Với tầm ảnh hưởng rộng lớn, quan trọng của Luật Đất đai đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, gìn giữ lợi ích cho các thế hệ mai sau, Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo Luật cần giải quyết những vướng mắc trong thực tế; đặt ra tư duy, quan điểm, chủ trương, chính sách mới trong quản lý đất đai; phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt cải cách hành chính, bảo đảm bình đẳng, công bằng, tiến bộ.
Khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành phải đáp ứng được kỳ vọng, mục tiêu đặt ra. Mỗi người dân có thể hiểu được, làm được. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Đồng tình với các ý kiến đóng góp về xây dựng kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định cần làm tốt quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, bảo đảm bền vững cho kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và môi trường, hài hoà lợi ích của các chủ thể…
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cần giải quyết mối quan hệ với các quy hoạch khác một cách linh hoạt, phân cấp mạnh mẽ, không chồng lấn; có thể phối hợp và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, kế thừa, bổ trợ lẫn nhau.
Ở cấp độ địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị phân định kế hoạch sử dụng đất đai giữa cấp tỉnh (5 năm) để định hướng không gian, cấp độ phát triển, còn kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện thực hiện hàng năm bao gồm chỉ tiêu đất đai và danh sách các dự án tiềm năng.
Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất
Nêu thực tế khó khăn trong định giá đất theo sát giá thị trường, Phó Thủ tướng cho biết dự thảo Luật thiết kế theo hướng thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới thiết lập xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập "bản đồ" giá đất trên cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư…
"Trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu đất đai, cần tiếp tục áp dụng các phương pháp xác định giá đất trong trường hợp đền bù hoặc có các hoạt động thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Dẫn ví dụ từ thực tiễn nhiều địa phương làm rất tốt công tác đền bù, tái định cư tại các dự án cao tốc Bắc-Nam, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận "Nhà nước có thể làm tốt hơn doanh nghiệp" nếu có cách làm, quy trình phù hợp nhất để người dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc, cùng tham gia quá trình chuyển dịch đất đai với mục tiêu cuối cùng là có mức sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn.
"Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân, nên cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các vùng, miền, khu vực khác nhau", Phó Thủ tướng phân tích.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng trao đổi và ghi nhận các ý kiến về bảo đảm công bằng, thực hiện hiệu quả chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc, thiểu số, các tổ chức, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; giải pháp sử dụng đất nông nghiệp vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái; vấn đề tập trung đất đai sản xuất…
Phương Thảo (t/h)
Tin mới
Bước đầu xác định được 8 nạn nhân đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu
Đến tối 9/9, lực lượng chức năng bước đầu xác định được 8 nạn nhân đang mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu (nối hai huyện Tam Nông - Lâm Thao của Phú Thọ).
Tuyên Quang: Huyện Sơn Dương hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho người dân
Mực nước lũ trên sông Lô - Gâm và trên sông Phó Đáy, tại huyện Sơn Dương, ở mức cao, gây ngập lụt, chia cắt, cô lập nhiều vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh. Việc di chuyển của người dân qua địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn.
Thông tin về vỡ đê ở Bắc Ninh là không chính xác
Trên mạng xã hội lan truyền thông tin ở Bắc Ninh vỡ đê khiến nhiều người dân ồ ạt đi mua thực phẩm tích trữ, gây mất an ninh, trật tự, hoang hoang trong nhân dân.
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 10/9
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 10/9 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/9
Một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/9 của các công ty chứng khoán.
Vĩnh Phúc: Chủ động đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà
Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 6616 lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ Năm vào hồi 11h00 ngày 9/9; Văn bản số 6619 về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang (từ 11h00 ngày 9/9: Hồ Hoà Bình có 2 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang có 5 cửa xả đáy, hồ Thác Bà có 3 cửa xả mặt).
Câu chuyện thương hiệu
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường
Hành trình phát triển thương hiệu của Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế Hoàng Đức
Thế giới số sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu
Vietsovpetro góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam