Lãi suất cho vay tăng mạnh
Chị Ngọc Hằng (Hà Nội) cho biết, gia đình chị có ý định vay tiền để xây nhà, năm ngoái chị tham khảo thì lãi suất ngân hàng rao động từ 8,5%/năm đến 9,5%/năm. Tuy nhiên, mới đây phía ngân hàng thông báo lại, ngân hàng áp dụng mức lãi suất mới lên đến 11%/năm, tăng 2,5% so với đầu năm. Khiến gia đình chị “choáng ngập” với lãi suất ngày càng lên cao.
Cũng trường hợp tương tự như anh Mạnh Quân (Quảng Ninh), anh cho biết: “Tôi mua một chiếc xe ô tô để làm nghề dịch vụ và đã trả lãi suất xe tầm năm nay, nhưng tôi hiện nay khá lo lắng vì ngân hàng điều chỉnh 2 lần tăng lãi suất”. Theo anh Quân, tháng 8/2021, anh vay mua xe ô tô của một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn với lãi suất 8,5%/năm.
Sau một năm, đến tháng 8/2022 ngân hàng điều chỉnh lãi suất là 11,5%/năm nhưng đến đầu tháng 10 anh được nhân viên ngân hàng gọi điện báo lãi suất được điều chỉnh tăng lên, dự kiến 12%/năm. “Tôi bắt buộc phải cân đối các khoản chi tiêu. Trước đây tôi trả ngân hàng mỗi tháng 5 triệu đồng nay đã 8 triệu đồng” - anh Quân nói.
Không riêng khoản vay cá nhân, khoản vay doanh nghiệp cũng tăng một cách “chóng mặt”, nhất là sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị ngày càng khó khăn hơn từ việc trả lãi suất ngân hàng cho đến thực hiện các khoản vay mới.
Đơn cử, một giám đốc ngành sản xuất tại Quảng Ninh cho biết: “ Các năm trước đây và đầu năm nay mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 7 - 8%/năm nhưng nay đã là 9 - 10%/năm. “Lãi suất vay của công ty tôi đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm. Với khoản vay gần cả trăm tỷ đồng, mỗi năm, công ty phải trả thêm khoản tiền lãi thêm hàng tỷ đồng so với trước", vị này tính toán.
Cần trợ giúp người vay
Khảo sát của chúng tôi, đến nay các ngân hàng thương mại đều gia nhập cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng mức lãi suất lên mốc cao là hơn 8%/năm. Không ít ý kiến cho rằng không thể yêu cầu ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng.
Quan trọng là các tổ chức tín dụng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng, nhất là góp sức cùng thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế sau hao tổn lớn trong đại dịch.
Theo thông tin trước đó, từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại khối ngân hàng có vốn nhà nước tăng bình quân 1%, còn tại nhóm tư nhân tăng từ 1% đến 2,7%. Một số ngân hàng tư nhân dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 8-9% một năm và tung ra chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 10% một năm để hút vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng cũng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Đáng chú ý, theo Thống đốc, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.
"Cung về vốn bị đọng tại NSNN, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.
Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của doanh nghiệp cấp thiết hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp phải tìm giải pháp làm sao tối ưu hoá được nguồn vốn, thu tiền nhanh hơn, kiểm soát dòng tiền, giảm vay tiền ngân hàng.
Trang Nguyễn