Tiêm vacine phòng bệnh bạch hầu cho người dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà.
Cụ thể 5 ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Sa Thầy mỗi địa phương một ổ dịch. Riêng huyện Đăk Tô có hai ổ dịch, trong đó ổ dịch tại thôn Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga được phát hiện gần đây nhất vào ngày 8/ 6 với 1 người bị mắc bệnh.
Tổng cộng trong 5 ổ dịch bạch hầu được ngành y tế tỉnh Kon Tum phát hiện từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp mắc bệnh. Các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng sốt, viêm họng, viêm Amydal, họng nhiều giả mạc… đều được điều trị thành công hoàn toàn bình phục và đã được xuất viện.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đối với các ổ dịch, ngành y tế địa phương tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tại vùng dịch triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycine để điều trị dự phòng; tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng Chloramin B; truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vacine phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, tổ chức rà soát, tiêm vét vacine DPT-VGB-Hib cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm nhắc vacine DPT4 cho các đối tượng 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm.
Thời gian tới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vacine Td cho các đối tượng từ 7 đến 25 tuổi tại các xã có ca bệnh, đảm bảo chiến dịch đạt tỉ lệ trên 95%. Đẩy mạnh hoạt động tiêm vacine trong tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch (mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 thán, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng , mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi).
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Trọng Quân