Kinh tế Thanh Hoá giữ đà tăng trưởng ấn tượng
Điểm sáng của Thanh Hóa trong năm nay là tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đứng đầu cả nước, với tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt gần 40.000 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay. Thanh Hoá đang giữ đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Thanh Hóa lần đầu lọt top 8 tỉnh thành về thu ngân sách lớn nhất cả nước
Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hóa ước đạt 14,24%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,23%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%; dịch vụ 11,86%... Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đã vượt cao, ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng, một số khoản thu tăng cao như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 69%, thuế bảo vệ môi trường tăng 42%, thu tiền sử dụng đất tăng 76%. Chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 27.116 tỷ đồng, bằng 72% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ.
Về công nghiệp trong 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,03%, có 19/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 127.805 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,7%; tổng lượng khách du lịch gấp 3,3 lần, tổng thu du lịch ước đạt 19.075 tỷ đồng, bằng 106,4% kế hoạch, gấp 4,1 lần.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.340 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp (4 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.386 tỷ đồng và 41 triệu USD. Hoạt động đầu tư công đến ngày 15/9 giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công đạt 5.332 tỷ đồng, bằng 48,4% kế hoạch; giải ngân đạt 6.189 tỷ đồng, bằng 56,2% kế hoạch.
Các điểm du lịch trong tỉnh đã hoạt động trở lại sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khách tham quan, du lịch tại các điểm du lịch và hoạt động lưu trú và ăn uống tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Thanh Hóa đã đón hơn 10 triệu du khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.748 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ.
Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, ngày 14/7/2022, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ KWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả nổi bật; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nhiều vụ việc, vấn đề phức tạp, kéo dài đã và đang được tập trung chỉ đạo giải quyết. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân được tăng cường.
Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục nhân lên niềm tự hào, củng cố niềm tin, tạo ra khí thế mới, động lực mới đưa Thanh Hóa lên tầm cao mới.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin: Tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới mức thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay và sẽ sớm gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố thu ngân sách 50.000 tỷ đồng trong năm tài khóa 2022.
Trong 5 năm qua thu ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng ấn tượng, cụ thể năm 2017, Thanh Hóa thu ngân sách hơn 13.114 tỷ đồng và năm 2018 là 23.276 tỷ đồng.
Năm 2019, Thanh Hóa thu 27.359 tỷ đồng, năm 2020 thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng và năm 2021 dù Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu ngân sách vẫn đạt con số 36.500 tỷ đồng.
Năm 2022, kinh tế Thanh Hóa tiếp tục có bước đột phá mạnh mẽ với tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán năm và tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Thanh Hóa lần đầu vào lọt top 8 tỉnh thành về thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Thanh Hóa có khả năng gia nhập nhóm thu ngân sách 50.000 ngàn tỷ đồng
Tính đến hết năm 2021, cả nước hiện có 6 địa phương đã gia nhập nhóm các tỉnh có mức thu ngân sách 50.000 tỷ đồng. Dẫn đầu nhóm là TP.HCM thu ngân sách hơn 381.000 tỷ đồng, trong khi Hà Nội xếp thứ 2 có tổng thu ngân sách nhà nước là 265.755 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Hải Phòng có số thu ngân sách 95,5 nghìn tỷ đồng. Xếp tiếp theo sau là Bà Rịa-Vũng Tàu 75.000 tỷ đồng, Đồng Nai 63.000 tỷ đồng và Bình Dương là 62.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Quảng Ninh và Thanh Hóa là 2 địa phương có khả năng sớm gia nhập CLB 50.000 tỷ đồng khi lần lượt xếp ở vị trí thứ 7 và thứ 8.
Mới đây, trong buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào ngày 29/8. Đánh giá về những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang kế thừa và phát huy tốt kết quả để vun đắp, xây dựng Thanh Hóa có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ; đang là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư lớn, tạo cho tỉnh có nhiều xung lực mới, làn sóng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hai năm liên tiếp, Thanh Hoá có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực
Theo công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 và 2021, Thanh Hoá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy, người dân tỉnh Thanh Hoá có thu nhập bình quân đầu người/tháng trong năm 2020, 2021 theo giá hiện hành là 3.510 nghìn đồng và 3.652 nghìn đồng.
Trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên từ sau năm 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên thu nhập có xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng bình quân của thu nhập bình quân người/tháng giai đoạn 2019 - 2021 là 5,57% (thấp hơn giai đoạn 2016 – 2018 là 12,51%).
Thu nhập bình quân một người/tháng chung cả nước năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4.205 nghìn đồng, giảm 1,06% so với năm 2020. Theo khảo sát, tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7.123 nghìn đồng/người/tháng.
Năm 2021, Thanh Hoá là tỉnh có thu nhập cao nhất vùng Bắc Trung Bộ, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2018. Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người/tháng đạt 6.395 nghìn đồng, cao gấp 4,1 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1).
Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 được tiến hành theo Quyết định số 95/QĐ-TCTK ngày 29 tháng 1 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là cuộc điều tra chọn mẫu, được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 47.000 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Xung lực mới, động lực mới, dư địa mới, và khí thế mới cho sự phát triển của Thanh Hoá
Mới đây, vào ngày 16/11, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã có bài phát biểu tham luận quan trọng.
Trong đó, nhấn mạnh đến nội dung, trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối Vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng, và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, trọng tâm là:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2022. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 03 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 04 vùng kinh tế động lực, là Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành; 05 vùng liên huyện và 06 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.
Thứ hai, xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện gió và điện – khí LNG); thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, với vị trí chiến lược, có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt (IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước; khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với KCN Lam Sơn - Sao Vàng, khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu, mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.
Thứ tư, xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, rừng, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ (Cluster) về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch.
Thứ năm, là tỉnh có miền núi rộng, tỷ lệ lao động và dân số nông nghiệp, nông thôn còn lớn, Thanh Hóa tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế. Quan tâm phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại, hội nhập và phát triển.
Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Tập trung rà soát, phủ kín các quy hoạch chi tiết, hoàn thiện các quy chế quản lý để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch; thực hiện đồng bộ hóa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và các loại quy hoạch hạ tầng khác; xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối các đô thị của tỉnh Thanh Hóa với các đô thị trong vùng.
Ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương được Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng miền. Cùng với đó, cũng giúp Thanh Hóa khắc phục được cơ bản một số “rào cản” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này đã khẳng định vai trò, vị trí của Thanh Hoá trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Sự giàu có, phát triển của Thanh Hoá không chỉ cho riêng người dân Thanh Hoá mà còn vì sự giàu có chung của đất nước.
Những thành tựu nổi bật trên cho thấy, Thanh Hóa đã có những bước đi đúng đắn, vững chắc trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Khẳng định cho khát vọng bứt phá, vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá, hiện thực hoá ước mơ về một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Lê Nam- Hoài Thu
Tin mới
Giá vàng hôm nay 19/9: Đảo chiều tăng
Giá vàng hôm nay 19/9/2024 trên thị trường thế giới đảo chiều bật tăng do động thái cắt giảm lãi suất của Fed. ía vàng đang chờ tiến sát mức kỷ lục đã lập trước đó.
Tỷ giá USD hôm nay 19/9: Trong nước tăng nhẹ, thế giới ở mốc 100,93
Tỷ giá USD hôm nay 19/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 10 đồng, hiện ở mức 24.151 đồng. Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,04%, đạt mốc 100,93.
Giá cà phê hôm nay 19/9: Tăng 200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 19/9 tăng nhẹ từ 200 đồng/kg. Hiện giao dịch trong khoảng 123,000 - 123,400 đồng/kg.
Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm
Fed vừa thông báo cắt giảm lãi suất điều hành 0,5 điểm % xuống còn 4,75-5%/năm. Đáng chú ý, phần lớn quan chức Fed đồng thuận việc cần giảm thêm 0,5 điểm % nữa trong năm nay.
Giá tiêu hôm nay 19/9: Giảm mạnh 5.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 19/9 trong khoảng 148.000 - 150.500 đồng/kg. So với hôm qua, giá tiêu giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Phó tổng giám đốc Haxaco đăng ký bán 1,4 triệu cổ phiếu
Ông Trần Quốc Hải, Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX – sàn HOSE) đăng ký bán 1,4 triệu cổ phiếu HAX.
Câu chuyện thương hiệu
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM
MobiFone trao tặng hàng trăm phần quà tận tay người lao động, hỗ trợ dạy học trực tuyến mùa bão lũ
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9