Sáng 18/02, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức họp báo giới thiệu về các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh và những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức "gọn nhẹ" với hơn 300 đại biểu.
Trong dịp này, Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm như: "Thành tựu kinh tế - xã hội sau 25 năm tái lập"; "Bắc Ninh - 190 năm thành lập và phát triển"; Triển lãm Mỹ thuật, ảnh nghệ thuật và kiến trúc với chủ đề "Bắc Ninh tỏa sáng" và xuất bản sách ảnh: "Bắc Ninh, 25 năm đổi mới và phát triển" và "Vẻ đẹp miền Quan họ". Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng khởi công một số công trình trọng điểm chào mừng: Công trình mở rộng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh quy mô 300 giường, khu công nghiệp Thuận Thành I và công trình xây dựng 2.000 căn hộ - Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Yên Phong…
“Đặc biệt, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào sáng ngày 26/02/2022 với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Bắc Ninh - Rạng rỡ miền văn hiến” sẽ tái hiện về Bắc Ninh - Kinh Bắc, một vùng đất cổ, văn hiến; với bề dày lịch sử văn hoá, truyền thống hiếu học, khoa bảng… và phong trào cách mạng”- ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.
Ông Ngô Văn Liên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, sau 25 năm tái lập, Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng vùng thủ đô và các tỉnh phía Bắc, ngày nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước.
“Phát huy truyền thống và những tiềm năng thế mạnh bề dày lịch sử cùng với thế và lực của đất nước đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tỉnh Bắc Ninh phát triển từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; phấn đấu đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao thông minh”- ông Ngô Văn Liên cho biết thêm.
Sau 25 năm tái lập, từ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính cùng với việc chủ động nắm bắt, tranh thủ tốt thời cơ của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế và khai thác lợi thế của một tỉnh đồng bằng, là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đến nay, Bắc Ninh cơ bản là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước: Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đứng thứ nhất; Quy mô GRDP xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5; thu hút vốn FDI xếp thứ 7; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị, nông thôn phát triển, là một trong 15 tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020; môi trường được quan tâm bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, cụ thể: nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục, y tế thuộc nhóm dẫn đầu; nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và thực hiện ở mức cao hơn so với Trung ương như: hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; trợ cấp cho người cao tuổi…
Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách. Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, số thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 198 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, vượt 19,5% dự toán; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2021 là 23,7%/năm.
Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu- chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc. Chi ngân sách địa phương được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, thực hiện ưu tiên cho đầu tư phát triển, đã tạo động lực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu xây dựng tỉnh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm,. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, và thủy sản tăng thấp nhất (+2,2%/năm); khu vực công nghiệp – xây dựng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng đạt 17,9%/năm, khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng hai con số với 12%/năm.Tốc độ tăng trưởng cao cũng như quy mô kinh tế tăng nhanh, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Lê Pháp - Thanh Tuyến (T/h)