Bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng quan tâm tới Việt Nam

Cuối tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa rất quan trọng, đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước sang giai đoạn phát triển mới. Khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống có bề dày hơn 70 năm giữa hai nước, Thủ tướng Petr Fiala cho biết Cộng hòa Séc luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực.

Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cũng có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào đầu tháng 5/2023. Đánh giá tích cực chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Luxembourg kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Xavier Bettel cho biết Luxembourg luôn sát cánh bên Việt Nam cả lúc khó khăn và lúc thuận lợi, đồng thời mong muốn chuyến thăm sẽ nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Những hoạt động đối ngoại diễn ra dồn dập kể trên là sự triển khai tích cực trên thực tế đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, với chủ trương nhằm tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, tạo xung lực mới đưa quan hệ của Việt Nam với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng và tiềm năng. Đây cũng là sự khẳng định vị thế, uy tín đang lên của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2022, chúng ta đã có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo các cấp với các nội dung hợp tác về kinh tế được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất với hơn 150 văn kiện hợp tác được ký kết. Qua đó, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác trên thế giới đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng quan tâm tới Việt Nam bởi những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian gần đây. Bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn lập kỳ tích, đạt 8,02%, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch. Tốc độ này cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét “khác biệt đáng tự hào” của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp.

Lễ ký văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg
Lễ ký văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg

Bên cạnh đó, Việt Nam còn trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với ngành hàng dệt may, giày dép, sản xuất điện tử. Không ngạc nhiên khi năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng và lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so năm 2021; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Báo chí quốc tế đã dành nhiều lời khen ngợi cho thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam. Tờ New York Times gọi Việt Nam là “kỳ tích tiếp theo của châu Á” khi đã có những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Còn theo kênh truyền hình CNBC, Việt Nam là nền kinh tế châu Á hoạt động hiệu quả nhất trong năm 2020, một kỳ tích đạt được vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu phải chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Tích cực triển khai ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng trong năm 2023, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như suy giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước…

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy nhiên, trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong các tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%.

Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Một trong những yếu tốc quan trọng giúp vượt qua các khó khăn đó là cần tích cực triển khai Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 10/8/2022, của Ban Bí thư “về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”. Trong đó có yêu cầu tích cực đẩy mạnh nội dung kinh tế trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao nhằm ký kết nhiều thỏa thuận, dự án hợp tác quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội.

Theo hướng trên, trong chuyến thăm của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đến Việt Nam, hai bên đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản cùng Thỏa thuận Đối tác chiến lược về tài chính xanh giữa Bộ Tài chính hai nước.

Hai nước nhất trí thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh, coi đây là trụ cột hợp tác mới, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước và đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; thúc đẩy triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán Luxembourg; đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, kết nối các nguồn lực tài chính của Luxembourg nhằm giúp Việt Nam triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Với chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, hai bên nhất trí đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD trong vòng 1 - 2 năm tới bằng việc tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp Cộng hòa Séc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực Cộng hòa Séc có thế mạnh; tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường Cộng hòa Séc…

Việt Nam cũng đề nghị Cộng hòa Séc tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nước EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

PV