Chiều 04/01, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đã có buổi chia sẻ tại sự kiện Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam: Cơ hội cho ai? do Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services tổ chức.

Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, tuy nhiên đến nửa cuối của năm 2023, lượng giao dịch Bất động sản thành công đã bắt đầu có chuyển biến tăng dần, theo đó, niềm tin thị trường nhìn chung được ghi nhận đã có sự cải thiện nhẹ. Tiêu điểm sự quan tâm của thị trường đa phần tập trung tỷ trọng lớn vào Bất động sản nhà ở dân dụng. Nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ, mặt bằng giá, pháp lý mua nhà,... đã là điểm nóng và là chủ đề bàn luận của thị trường trong suốt năm qua.

Mặc dù sự quan tâm đối với bất động sản duy trì ổn định theo năm, tuy nhiên khả năng chi trả thực tế của người mua đang gặp hạn chế. Khách chưa mua Bất động sản không phải vì không thích mua Bất động sản hoặc không muốn mua Bất động sản, mà là do chưa có đủ tài chính, chưa đủ tự tin về nguồn thu nhập hiện tại và tương lai để mua ngay, hoặc chưa đủ tự tin để vay mua Bất động sản dù lãi suất cho vay mua Bất động sản đang hạ nhiệt.

Theo các chuyển gia, cơ hội của thị trường bất động sản năm 2024 sẽ đến từ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (dưới 2,5 tỷ đồng/căn)
Theo các chuyển gia, cơ hội của thị trường bất động sản năm 2024 sẽ đến từ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (dưới 2,5 tỷ đồng/căn)

Theo tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Dat Xanh Services, cơ hội của thị trường bất động sản năm 2024 sẽ đến từ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (dưới 2,5 tỷ đồng/căn). Đây là phân khúc luôn có nhu cầu cao, trong khi nguồn cung khan hiếm. Chủ đầu tư có sản phẩm phù hợp thì sẽ có nhiều thắng lợi trong năm mới.

Bên cạnh đó, loại hình nhà ở có diện tích nhỏ, giá thành vừa phải phù hợp với người độc thân, GenZ hay gia đình 1 thế hệ cũng sẽ có nhiều cơ hội trong năm 2024.

“Doanh nghiệp bất động sản muốn nắm bắt những cơ hội này thì cần phải tái cấu trúc toàn diện, xây dựng chiến lược phát triển mới theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc cơ cấu vốn, nợ xấu, linh hoạt trong việc định giá bán để ưu tiên thanh khoản. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị quỹ đất, nhân sự, công nghệ… để đón đầu cơ hội trong năm mới”, ông Khôi chia sẻ.

Tại sự kiện, bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services cho biết, doanh nghiệp môi giới bất động sản vẫn chưa thể qua cơn “bĩ cực”. Ba năm qua, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế đã khiến nguồn tiền tích lũy của các đơn vị cạn kiệt. Khoảng 70 – 80% doanh nghiệp môi giới đã rời khỏi thị trường hoặc tạm ngưng hoạt động.

Theo bà Liên, dù thị trường đang gặp khó khăn, thách thức nhưng mức độ quan tâm đến bất động sản của người dân vẫn khá cao, tương đương với những năm trước. Các nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng từ 40 – 45%, kéo theo nhu cầu nhà ở đô thị mỗi năm tăng thêm khoảng 70 triệu m2 (tương đương 1 triệu ngôi nhà).

Hiện nay, khách hàng đã bắt đầu chủ động liên hệ với nhân viên môi giới và tham gia các sự kiện bán hàng, tham quan nhà mẫu và dự án. Tuy nhiên, khả năng chi trả thực tế của người mua đang gặp hạn chế.

“Khách hàng chưa mua bất động sản không phải vì họ không thích mua hay không muốn mua. Lý do đơn giản là họ chưa có đủ tài chính, chưa đủ tự tin về nguồn thu nhập hiện tại. Nhiều khách hàng cũng chưa đủ tự tin để vay mua bất động sản dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt”, bà Liên nói.

Trong khảo sát “Những lý do người dân chưa quyết định mua bất động sản”, có đến 63% ý kiến trả lời vì lý do tài chính, 16% lo ngại về tính pháp lý và uy tín chủ đầu tư, 11% chưa "xuống tiền" vì sản phẩm chưa đúng nhu cầu và 10% là những lý do khác.

Trong số 63% ý kiến chưa mua bất động sản vì lý do tài chính thì có đến 72% trong số này cho biết, thu nhập giảm khiến họ không dám vay ngân hàng, 53% đang chờ giảm giá thêm; 36% muốn giữ tiền mặt để dự phòng và 14% có phát sinh nợ xấu nên chưa thể vay.

Lê Vũ