Tạo diện mạo văn minh

Tuy không phải là huyện điểm trong tỉnh về xây dựng NTM, nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Thanh Ba xác định rõ sự cần thiết phải thực hiện chương trình này và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết: Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Thanh Ba tuy đã có những bước phát triển nhất định, nhưng công tác quy hoạch, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của người dân còn nhiều bất cập. Với mục tiêu tạo cho nông thôn một diện mạo văn minh, văn hóa, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, thì công tác quy hoạch phải đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại.

Ngay sau khi chương trình được triển khai, các địa phương tích cực thực hiện việc lập quy hoạch NTM theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Cùng với sự ủng hộ, chung tay góp sức của người dân, sau 7 năm thực hiện, nhiều vùng nông thôn ở Thanh Ba thực sự khởi sắc.

Huyện Thanh Ba (Phú Thọ): Khởi sắc những làng quê - Hình 1

Mô hình chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao

Nói về kinh nghiệm giúp Thanh Ba có sự đột phá trong NTM, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Đức chia sẻ: Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình.

Ngay từ đầu, huyện đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thật sự làm chủ thể; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, quan tâm lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện ở địa phương.

Dấu ấn đậm nét trong xây dựng NTM ở Thanh Ba đó là huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để triển khai chương trình. Huyện và các xã đã vận động sự tham gia của con em xa quê thành đạt, doanh nghiệp trên địa bàn và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cụ thể: Làm đường giao thông nông thôn ở Yển Khê, trị giá 7 tỷ đồng; xây dựng Trường Mầm non xã Khải Xuân: 7 tỷ đồng; xây dựng Trường THCS Thanh Hà: 7 tỷ đồng; Trường Tiểu học và THCS xã Lương Lỗ: 20 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Chí Tiên và Thanh Vân: 2,5 tỷ đồng/trạm...

Đến nay, huyện Thanh Ba có 8/26 xã (Đông Thành, Chí Tiên, Đỗ Xuyên, Lương Lỗ, Hoàng Cương, Ninh Dân, Đồng Xuân, Vũ Yển) được công nhận chuẩn NTM, vượt 200% kế hoạch của tỉnh giao cho huyện đến năm 2020.

Đột phá trong dồn điền

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành trong huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực các nội dung; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình được quan tâm.

Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong xây dựng NTM ở Thanh Ba chính là đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, xem người dân là chủ thể trong xây dựng NTM để triển khai thực hiện.

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, năm 2017, huyện thực hiện khâu đột phá về dồn đổi ruộng đất, quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, toàn huyện đã dồn đổi thành công hơn 1.000 ha, điển hình như ở các xã Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn, Thanh Hà, Chí Tiên...

Huyện Thanh Ba (Phú Thọ): Khởi sắc những làng quê - Hình 2

Thanh Ba thực hiện đột phá về dồn đổi ruộng đất, quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp

Thông qua công tác dồn đổi ruộng đất, địa phương đã xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời các HTX, trang trại, gia trại đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh thực hiện các vùng chuyên canh, mang lại hiệu quả cao. So với đầu năm 2016, số trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 tăng 177%. Từ hiệu quả kinh tế, các trang trại đã góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở địa phương.

Đánh giá về những kết quả bước đầu trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Đức tự hào: “Chương trình xây dựng NTM đã mang lại diện mạo mới cho mỗi địa phương trong huyện. Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đây sẽ là động lực để các xã chưa cán đích NTM sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, trong năm 2018, huyện sẽ phấn đấu 4 xã đạt chuẩn NTM (Khải Xuân, Thanh Hà, Võ Lao, Đỗ Sơn); 3 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (Mạn Lạn, Hanh Cù, Quảng Nạp); các xã còn lại tăng từ 1 - 2 tiêu chí/xã; 50 khu dân cư đạt chuẩn NTM”.

Ông Đức cũng cho biết, thực tế, việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất hạ tầng và tiêu chí về môi trường là một khó khăn, thách thức lớn đối với hầu hết các xã trên địa bàn huyện.

“Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, chúng tôi tin rằng, khó khăn sẽ vượt qua và thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 xây dựng cơ bản huyện Thanh Ba thành huyện NTM của tỉnh Phú Thọ”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba nhấn mạnh.

Hoan Nguyễn