Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022, những nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong tháng còn lại của năm.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra ở thời điểm chỉ còn 01 tháng nữa là kết thúc năm 2022 – một năm nhiều khó khăn, thách thức với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Cạnh tranh chiến lược, tác động lạm phát, chính sách tiền tệ của các nước, tình hình xăng dầu biến động nhanh, khó khăn từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, phản ứng chính sách của các nước liên quan tới dịch bệnh, các vấn đề toàn cầu...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin với báo chí về một số nội dung nổi bật phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 - Ảnh: VGP/Quang Thương
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin với báo chí về một số nội dung nổi bật phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Ảnh VGP/Quang Thương.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, KTXH nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt:

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%.

Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch XNK đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ.

 - Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so với tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần so với cùng kỳ.

- Tình hình đăng ký DN khởi sắcsố DN thành lập mới, hoạt động trở lại tăng 33% so cùng kỳ, gấp 1,47 lần số DN rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. Nhiều vấn đề đột xuất được tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả; những vấn đề thường xuyên được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch...

- An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 07/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,3 triệu lượt người lao động và gần 851.300 người sử dụng lao động. Nếu tính cả Nghị quyết 42 của Chính phủ thì từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay đã hỗ trợ gần 101,6 nghìn tỷ cho hơn 68,8 triệu lượt người lao động và gần 900.000 lượt người sử dụng lao động).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn- Ảnh: VGP/Quang Thương
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
 Ảnh VGP/Quang Thương.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023, như IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Những kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn...

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng; càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định; đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.

Trên tinh thần này, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỉ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh triển khai 03 CTMTQG và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng...

Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.

Theo Chinhphu.vn