Cử tri kiến nghị trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục tại Cảng hàng không Phù Cát như xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; Di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng...
Cử tri kiến nghị Bộ GTVT trình Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý.
Trước mắt, cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng (trong đó giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.008 tỷ đồng), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cử tri cho rằng hiện nay, tỉnh Bình Định đang còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, nhất là tiền sử dụng đất.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn triển khai nhanh dự án, cử tri kiến nghị xem xét cho hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Phù Cát khoảng 1.500 tỉ đồng (Tổng mức đầu tư xây dựng hạng mục Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay khoảng 3.013 tỉ đồng).
Phần kinh phí còn lại sẽ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách của địa phương để triển khai hoàn thành dự án.
Cử tri cũng kiến nghị Bộ GTVT trình Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ).
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí (khoảng 1.008 tỷ đồng) triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trả lời vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, do tỉnh Bình Định đang còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản, để đẩy nhanh việc triển khai dự án, Bộ GTVT đồng thuận với chủ trương đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần ngân sách và đề nghị Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Định, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương sớm nghiên cứu đầu tư đường cất, hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc khu bay.
Cơ quan này cũng đã có công văn đề nghị các bộ, ngành liên quan thống nhất phương án giao UBND tỉnh Bình Định làm chủ quản thực hiện đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2. Sau đó, bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ GTVT ủng hộ chủ trương sớm nghiên cứu đầu tư đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc khu bay.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cho biết việc tách riêng hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư công.
Vì vậy, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh chủ động nghiên cứu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai.
An Nguyên (t/h)