THCLTrong 2 ngày (28-29/12), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với các địa phương
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2016 cũng như những tồn tại, hạn chế. Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng kết quả đạt được, đề ra các giải pháp trọng tâm, đi thẳng vào những khó khăn vướng mắc, giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng, tháo gỡ những rào cản... để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2017.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu và lãnh đạo địa phương đã đề cập vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã trao đổi, làm rõ những vấn đề được các đại biểu, lãnh đạo địa phương đề cập, nhất là các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 10 kết quả nổi bật, 9 tồn tại, hạn chế.
10 kết quả nổi bật đạt được trong năm 2016
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%) trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt 100,7% kế hoạch. Tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD.
Thứ hai, kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Thứ ba, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%.
Thứ tư, khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%; thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Thứ năm, môi trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015.
Thứ sáu, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 25%.
Thứ bảy, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%… Trong lĩnh vực thể thao, lần đầu tiên Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Olympic.
Thứ tám, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Ban hành 162 nghị định quy định chi tiết các luật, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Thứ chín, tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Trong bối cảnh khó khăn, chủ trương của Chính phủ là không để người dân nào bị đứt bữa, bệnh tật trong thiên tai.
Thứ mười, chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
9 tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh.
Thứ hai, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng.
Thứ ba, sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
Thứ tư, một số dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn.
Thứ năm, một số ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng.
Thứ sáu, xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thứ bảy, nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.
Thứ tám, có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh…
Thứ chín, xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 4%
Phát biểu kết luận Hội nghị, sau khi phân tích bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cũng như nhấn mạnh năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trực tiếp là các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và 5 năm 2016-2020, trong đó trọng tâm chỉ đạo điều hành 2017 là ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao hơn năm 2016 gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Trên tinh thần này và theo chủ đề chỉ đạo, điều hành của năm 2017 được Hội nghị thống nhất là: Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2017.
Trước hết là phải giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 4%. Đây là điều kiện tiên quyết tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho đầu tư kinh doanh và là nền tảng cho phát triển bền vững. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện mọi giải pháp hiệu quả để bảo đảm các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phải có những phản ứng chính sách phù hợp, không để bị động bất ngờ, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp.
Đồng thời, tiếp tục nỗ lực cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, của các lĩnh vực, các địa phương và của cả nền kinh tế. Các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%; đi liền với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính,… không theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá; phải thực hiện tăng trưởng bền vững; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển phải thân thiện với môi trường.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; rà soát, phát hiện, trình Chính phủ xem xét, xử lý, tháo gỡ những quy định kìm hãm sự phát triển của đất nước và từng ngành, từng lĩnh vực. Việc gì trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thì phải làm ngay, tháo gỡ ngay; việc gì cần báo cáo Quốc hội, Trung ương Đảng thì Chính phủ cũng sẽ báo cáo ngay.
Đặc biệt quan tâm xử lý hai vấn đề quan trọng hiện nay là nợ xấu và nợ công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin-cho, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa các nội dung này thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Phát động trong toàn xã hội, các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước phong trào tiết kiệm rộng rãi, tránh xa hoa, lãng phí, phô trương, hình thức. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn.
Tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, nỗ lực phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cao hơn năm 2016. Đặc biệt coi trọng phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ, không để xảy ra tình trạng “thua ngay trên sân nhà”. Tăng cường các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các bộ, ngành nghiên cứu xem xét các biện pháp, giải pháp khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian chi phí, giao dịch cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh ở mức ASEAN-4.
Tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp; thúc đẩy ứng dụng khoa học, kỹ thuật; phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Quan tâm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, xây dựng các chính sách ưu đãi tín dụng cho nông dân phát triển kinh tế. Thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tập trung vốn ngân sách và huy động nguồn vốn xã hội cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, trong đó có Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam...
Quyết liệt xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Giải quyết một cách căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2017, coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm.
Khẩn trương ban hành và thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong quá trình thực hiện có sự kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị có đủ điều kiện, kiên quyết tinh giản biên chế và giảm chi từ NSNN. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017
Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao; phải thay đổi phương pháp, cách làm; phải sáng tạo và phải tận dụng được cơ hội.
Quyết liệt thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ khâu quy hoạch theo định hướng thị trường; dỡ bỏ rào cản để khuyến khích tích tụ ruộng đất. Xây dựng cơ chế tạo động lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Quyết tâm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu tăng trưởng khách du lịch quốc tế hàng năm tới Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 25%. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ nghị định về triển khai visa điện tử.
Tăng cường các hoạt động liên kết khu vực, phát triển hài hòa các vùng kinh tế trên cả nước. Tập trung chấn chỉnh lại các quy hoạch đô thị. Các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động liên quan đến công tác quy hoạch đô thị; không vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích chung của cả cộng đồng.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, yếu tố quyết định thành công trong phát triển bền vững. Các bộ, ngành hữu quan cần xây dựng kế hoạch với các mục tiêu cụ thể về phát triển nhân lực khoa học công nghệ để sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo các biện pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mọi mặt của người dân. Trong đó phải thực hiện tốt chính sách người có công, phấn đấu mức sống của gia đình người có công bằng hoặc hơn mức bình quân trên địa bàn; thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều; tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động; tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm quá tải bệnh viện tuyến trên; chủ động phòng, chống dịch bệnh;...
Kiên quyết lập lại trật tự về an toàn thực phẩm. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng. Phải nhanh chóng hình thành và nhân rộng mô hình phát triển các chuỗi sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thực hiện nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nước ta là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tập trung cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch quy trình, thủ tục, kết quả giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy và nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với cấp dưới. Chính phủ đã làm và đã có kết quả bước đầu, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm làm cho được, có cách làm sáng tạo, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai Nghị quyết TW 4 về chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung mạnh hơn nữa cho công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, chú trọng giải quyết ngay từ cơ sở; tăng cường cán bộ tiếp dân có phẩm chất, có năng lực.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó lường, cần phải chủ động theo dõi sát, phân tích đánh giá sâu sắc, có đối sách phù hợp, kịp thời, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện ma túy, không để xảy ra tình trạng người cai bỏ trốn như vừa qua.
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tổ chức thành công APEC 2017. Tích cực và tham gia các diễn đàn đa phương; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vì lợi ích của đất nước. Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ ngư dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; chủ động có biện pháp đấu tranh với những thông tin xấu, xuyên tạc trên mạng Internet.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho năm 2017 là rất nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về Tết của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Chính phủ; đặc biệt là không chúc Tết lãnh đạo; các địa phương không về chúc tết, tặng quà Trung ương. Từng đồng chí thủ trưởng cơ quan phải quán triệt thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo này tại cơ quan, đơn vị của mình.
PV