Tại phiên họp này, các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi về các biện pháp nhằm: thúc đẩy hợp tác hướng tới một châu Á – Thái Bình Dương tự cường và thịnh vượng; hỗ trợ các thành viên phục hồi bền vững và bao trùm và tận dụng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các nỗ lực của APEC trong duy trì đà hợp tác của khu vực, đẩy lùi đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ông khẳng định, Tầm nhìn Putrayaja 2040 là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm và cam kết của các thành viên APEC cùng vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, vì sự thịnh vượng của người dân và các thế hệ tương lai.

Các bộ trưởng thuộc các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị. Ảnh: Bộ Công thương
Các bộ trưởng thuộc các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị (Ảnh: Bộ Công thương)

Về định hướng ưu tiên hợp tác, đại diện Việt Nam nhấn mạnh một số nội dung chính sau:

APEC cần phát huy vai trò đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do: hạn chế các biện pháp cản trở thương mại, phân biệt đối xử, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do; thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ và cải cách WTO.

Nâng cao sức chống chịu, tự cường của các chuỗi cung ứng: đẩy nhanh tiến độ thực thi các chương trình hợp tác đã thống nhất về kết nối, kinh tế số, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp.

Góp phần kiểm soát thành công đại dịch Covid: hỗ trợ các thành viên tiếp cận vắc-xin một cách kịp thời, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin; nâng cao năng lực hệ thống y tế cộng đồng và khả năng ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và khẩn cấp y tế trong tương lai.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế song hành với củng cố tính tự cường, bền vững và bao trùm toàn cầu: thúc đẩy hợp tác về thuận lợi hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng – nguồn nước – lương thực, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và hỗ trợ các nhóm yếu thế.

Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên WTO để thúc đẩy triển khai và đạt được những kết quả thiết thực, có ý nghĩa tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO lần thứ 12 sắp tới.

Ngọc Khánh