Thời gian được nhắc đến trong tác phẩm kéo dài khoảng 7 tháng, từ đầu tháng 10/1953 đến đầu tháng 5/1954, là thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ của ta toàn thắng. Không gian trong tác phẩm tập trung vào các chiến trường trên toàn cõi Việt Nam, đặc biệt là khu Tây Bắc, Bắc Bộ với điểm nóng tột độ là Điện Biên Phủ.
Ngay từ phần đầu cuốn hồi ký, vai trò Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Bác Hồ đã được thể hiện đầy đủ và rõ ràng. Tại cuộc họp Tỉn Keo của Ban Thường vụ, những câu hỏi hết sức ngắn gọn của Bác và những câu trả lời cũng hết sức ngắn gọn của vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch - Võ Nguyên Giáp đã làm nổi bật nội dung chủ yếu của cuộc họp Tỉn Keo...
Chúng ta cũng được nghe lời kết thúc cuộc họp Tỉn Keo của Bác Hồ: "Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi nhưng hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”" (trang 29).
Thêm một câu nói vô cùng cô đọng nữa của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Hai câu nói lịch sử của Người chính là chỉ thị cao nhất của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã soi sáng toàn bộ chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đối với các chiến trường cả nước, Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và sự chỉ huy sáng suốt, quyết đoán của vị Tổng Tư lệnh đối với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1954, sau khi chào tạm biệt Bác Hồ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Tuy nhiều lần ra trận nhưng chưa bao giờ Tổng Tư lệnh được chứng kiến một không khí phấn khởi, hào hùng lạ thường như lần này. Hiện lên trong cuốn hồi ký là hình ảnh rừng núi Điện Biên điệp trùng và hiểm trở, xa xôi và hẻo lánh.
Hầu hết tướng sĩ đều tin tưởng sự xuất hiện của 24 khẩu trọng pháo 105 li do Trung Quốc viện trợ sẽ làm cho hàng trăm công sự kiên cố (tức lô cốt boong-ke) của địch phải tan nát. Hầu hết đều tin tưởng phương án đánh tổng lực ở Điện Biên Phủ, đánh ào ạt chỉ trong vài ba ngày đêm, từ phía xung quanh lòng chảo và tiến lên đánh vào toàn bộ phân khu trung tâm của cứ điểm Điện Biên Phủ của địch, sẽ nhanh chóng mang lại chiến thắng. Hầu hết bộ đội khi đó đều tin tưởng ở sức mạnh của tinh thần quyết thắng của toàn quân. Bộ đội ta hào hứng sẵn sàng vượt mọi khó khăn để chuẩn bị bước vào giờ tổng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nhưng toàn thể mấy vạn tướng sĩ ở mặt trận đều hoàn toàn không biết rằng, khi mọi người hào hứng và tin tưởng thắng lợi sắp ở trong tay cũng chính là lúc vị Tổng Tư lệnh, bằng sự nhạy cảm của một thiên tài quân sự và bằng sự nhìn xa trông rộng của mình, bắt đầu cảm nhận có một cái gì khác lạ, có một cái gì không ổn về phía bộ đội ta trong quá trình chuẩn bị tổng tấn công, những điều đó báo hiệu lờ mờ một hiểm họa đang chực chờ quân ta.
Đạo làm tướng không cho phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ qua những dấu hiệu khác thường và nguy hiểm có thể xuất hiện giữa một mặt trận vừa lớn, vừa đặc biệt như trận Điện Biên Phủ. Đạo làm tướng đòi hỏi ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của toàn bộ lực lượng trọng pháo Việt Nam (gồm 2 tiểu đoàn 105 li) và toàn bộ lực lượng pháo phòng không Việt Nam (gồm 1 trung đoàn pháo 37 li) cùng mấy vạn bộ binh chiến sĩ, tức hầu hết các đại đoàn chủ lực của toàn quân. Với trọng trách được giao, ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về thắng bại của trận Điện Biên Phủ.
Theo thói quen và phong cách “luôn luôn nghiên cứu thực tế, luôn luôn xuất phát từ thực tế, và luôn luôn phân tích thực tế” của mình, Tổng Tư lệnh đã bí mật và trực tiếp cùng 2 cán bộ cấp dưới điều nghiên kỹ lưỡng để đi đến quyết định về vấn đề cách tiến công, cánh đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy: Địch đang gấp rút tăng cường quân số, tăng cường lương thực, tăng cường vũ khí, tăng cường bố phòng mọi mặt cho Điện Biên Phủ. Ngoài những điểm yếu cơ bản, địch có nhiều điểm mạnh hơn hẳn quân ta như Pháp có không quân hiện đại, có xe tăng, có trọng pháo 155 li và hệ thống lô cốt ngầm dày đặc với nhiều loại vũ khí cực mạnh. Pháp lại có nhiều đơn vị thiện chiến, giàu kinh nghiệm chiến đấu theo chiến thuật phòng ngự tích cực tại những nơi lô cốt ngầm. Ngoài ra, quân đội Pháp còn được Mỹ giúp đỡ nhiều về vật chất và động viên mạnh mẽ về tinh thần...
Từ đó, một sự tiên đoán đến trong tâm trí vị Tổng Tư lệnh rằng: Nếu tiến công Điện Biên Phủ thì mấy vạn bộ binh của ta, không có không quân yểm trợ, không có xe tăng, không có pháo lớn 155 li, dưới bão bom của không quân Pháp, liệu có thể ào ạt băng qua cánh đồng Mường Thanh để tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm hùng mạnh như vậy trong vài ba ngày!
Vấn đề sống chết lúc này là phải lập tức tìm cho ra bằng được một cách tiến công phù hợp, một nghệ thuật quân sự thích hợp. Vẫn biết chiến lược chung của cách mạng Việt Nam khi đó là tiến công, tiến công liên tục. Nhưng ở Điện Biên Phủ, tiến công bằng cách nào, tiến công như thế nào để vừa giành được toàn thắng ở mức cao nhất lại vừa có thể giảm thấp sự mất mát của mấy vạn tướng sĩ thuộc những đơn vị chủ lực mạnh nhất của ta khi ấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc phải giải một bài toán cực kỳ hóc búa trong tình trạng khẩn cấp. Thời gian lúc ấy không chờ đợi. Tình thế gấp gáp. Theo kế hoạch đã được chuẩn bị, đúng 17h ngày 26/1/1954 là thời điểm tổng tấn công. Cả đêm 25/1/1954, vị Đại tướng bị mất ngủ do trăn trở suy nghĩ các phương án.
Hình ảnh vị tướng với nắm ngãi cứu buộc quanh đầu vào buổi sáng hôm sau là hình ảnh chân thực và xúc động nhất. Ông không thể để mấy vạn bộ đội tinh nhuệ bị nướng cháy trong vài ba ngày đêm ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Phải có ngay giải pháp quyết định trong giờ phút quyết định cho trận chiến sinh tử. Phải đặc biệt bình tĩnh, đặc biệt kiên nhẫn và đặc biệt kiên quyết.
Sáng ngày 26/01/1954, cuộc họp diễn ra. Từ Tham mưu trưởng chiến dịch, Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch đến Chủ nhiệm Cung cấp chiến dịch, tất cả đều nêu những lý do đơn giản nhưng rất chính đáng: Công tác chuẩn bị mọi mặt theo phương án đánh nhanh, thắng nhanh đã được hoàn thành về cơ bản, toàn thể các đơn vị đang náo nức chờ đợi trận đánh mở màn và lương thực cũng chỉ đủ cung cấp trong ít ngày, nếu đánh kéo dài, bộ đội không có gạo ăn.
Vì vậy, ai nấy đều muốn thực hiện phương án cũ. Quyết tâm nổ súng lúc 17h ngày 26/1/1954. Cuộc họp diễn ra căng thẳng và phải tạm dừng để các thành viên vừa giải lao, vừa suy nghĩ thêm. Không khí trở nên nghiêm trọng, bao phủ căn hầm chỉ huy của Đại bản doanh Chiến dịch. Về phần mình, vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn hoàn toàn tin tưởng ở sự sáng suốt của Đảng ủy.
Khi giải lao xong, cuộc họp Đảng ủy Chiến dịch lại tiếp tục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bình tĩnh và nghiêm giọng nói: Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng. Trước khi tôi lên đường ra trận, Bác Hồ đã trao nhiệm vụ: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh". Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm hay không?”…
Trước câu hỏi đanh thép và nóng bỏng ấy, trước tỷ lệ phần trăm chắc nịch, trước phương pháp làm việc hết sức dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm của vị Tổng Tư lệnh, các đảng ủy viên đã phải cân não và đều lượt trả lời: “Không thể!”.
Như vậy là rõ, phương pháp đánh nhanh, thắng nhanh không chắc chắn thắng. Mà đã không chắc chắn thắng thì không đánh. Nhưng không đánh, trong trường hợp này không hề có nghĩa là giải binh, không hề có nghĩa là từ bỏ cuộc đại tổng tiến công vào tập đoàn cứ điểm cực kỳ hiểm độc và cực kỳ hùng mạnh Điện Biên Phủ.
Trái lại, quyết tâm tiến công, quyết liệt giành toàn thắng tại Điện Biên Phủ phải mạnh hơn gấp đôi. Vấn đề cốt tử là “Tấn công như thế nào, đánh như thế nào”. Nói một cách cụ thể hơn thì vấn đề cụ thể là “thay đổi toàn bộ cách tiến công. Thay đổi toàn bộ cách đánh”, để vừa giành được toàn bộ phần thắng ở mức cao nhất, vừa bảo toàn sinh mạng tối đa các lực lượng tinh nhuệ của Bộ đội Cụ Hồ.
Với tư cách Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định: Hoãn giờ tổng tấn công. Toàn mặt trận chuyển ngay sang thực hiện phương án mới, đánh chắc, tiến chắc. Pháo binh phải kéo pháo ra, đặt pháo theo những vị trí an toàn hơn, bí mật hơn và chuẩn xác hơn…
Nhận được báo cáo của Tổng Tư lệnh, Ban Thường vụ Chiến dịch, đứng đầu là Bác Hồ hoàn toàn nhất trí. Vì vậy, công tác chuẩn bị đã kéo dài thêm nhiều tuần lễ nữa. Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, cuộc tổng khai Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, cuộc đại tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Phương án đánh chắc, tiến chắc trong trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ cuối cùng đã giành được toàn thắng cao nhất.
Cuộc họp Tỉn Keo là một chương trung thực lạ thường, hiện thực lạ thường và lôi cuốn lạ thường về hình ảnh Ban Thường vụ (tức Bộ Chính trị), đứng đầu là người thầy Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc Bác Hồ đã chỉ đạo giai đoạn cuối của công cuộc kháng chiến chống Pháp của cách mạng Việt Nam.
Nói cách khác, với Cuộc họp Tỉn Keo, cố nhà văn Hữu Mai đã phác thảo một bức tranh truyền thần hiếm có và đặc sắc nhất về một cuộc họp trọng đại của Bộ Chính trị, do Bác Hồ chủ tọa. Quyết định khó khăn nhất là một chương tuyệt diệu. Với chương này, cố nhà văn Hữu Mai đã dựng lại được một đoạn phim tư liệu lịch sử vô giá về đạo đức làm tướng, về tinh thần trách nhiệm trước dân tộc, về phong cách chỉ huy của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại.
Theo baolongan.vn