(THCL) _ Thị trường hoa trong nước đang bị nhiều loại hoa Trung Quốc lấn át, khiến cho nhiều nông dân đứng ngồi không yên, khi mà hoa chính mình làm ra khó tiêu thụ ngay trên sân nhà…

Hoa nội vẫn lép vế

Dạo qua một vòng chợ hoa đầu mối Quảng Bá, chợ đầu mối phía Nam… có thể nhận thấy sự đa dạng chủng loại hoa, cũng như chất lượng các loại hoa không đồng đều. thị trường chủ yếu là các loại hoa có giá thành trung bình, không kén người mua (hồng, cúc, lay ơn, salem, lan tường, ly…).

Khảo sát thì thấy, hiện giá các loại hoa nội địa do nông dân trồng ở các vùng hoa Mê Linh, Tây Tựu có giá rẻ “giật mình”: một bó hồng thơm 100 bông, cành dài 30 cm chỉ 30.000 đồng; các loại hồng trồng từ làng hoa Mê Linh có giá 50.000 đồng/bó 100 bông, loại dài 60 cm, những bông ngắn chỉ 10.000 đồng… Hoa ly từ lâu được coi là loài hoa cao cấp, thì nay giá cũng rẻ bất ngờ, có lúc rớt giá chỉ 50.000 đồng/bó 20 bông đơn.

Đối với hoa được nhập từ Đà Lạt, giá hoa hồng dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/bó tùy thuộc màu sắc; hoa ly 130.000 đồng/bó 10 bông 2 nụ; hoa lan thường bán theo kilogram, 1 bó 1 kg giá 70.000 đồng.

Nếu so với hoa Trung Quốc thì hoa nội, tuy giá thấp nhưng chất lượng thua xa. Hoa lan tường Trung Quốc có giá 75.000 đồng/bó, nhưng cánh hoa cứng cáp và nhiều màu sắc hơn, to gấp đôi hoa lan tường Đà Lạt. Hoa hồng Trung Quốc chưa nở đã to bằng một chiếc chén uống trà, khi nở phải to gấp 3 hoa hồng Đà Lạt, mà giá chỉ đắt hơn 20.000 đồng/bó.

Giải thích điều này, chị Nhi, một tiểu thương ở chợ Quảng Bá cho biết: “Hồng Trung Quốc, hoa to, mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc hiếm như tím, xanh…, 1 bó hồng 30 bông của Trung Quốc giá 70.000 - 90.000 đồng có giá trị gấp đôi, thậm chí gấp ba lần 1 bó hoa nội vừa nhỏ, lại xỉn màu. Hiện nay, người tiêu dùng chuộng các loại hoa cao cấp, mẫu mã sang trọng. Cầm một bó hoa 10 bông hồng Trung Quốc, đẹp hơn nhiều 1 bó hoa nội…”

Bà Huệ, một nông dân làng hoa Tây Tựu chia sẻ: “Hoa Trung Quốc thâm nhập khiến người bán bị ép giá. Hoa nội đã nhỏ, lại không đa dạng do nông dân chỉ biết canh tác theo kiểu truyền thống. Vì thế, ngày nào hoa Trung Quốc mà về nhiều, chúng tôi phải bán tống bán tháo để về sau mỗi phiên chợ đêm”.

Bài toán cho nông dân?

Hiện nay, diện tích các làng hoa xung quanh địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm do nông dân không còn mặn mà với nghề trồng hoa truyền thống. Nếu như sản xuất một bông từ khâu trồng cây giống, rồi chăm bón phân lân, phun thuốc trừ sâu, đến khi bọc nụ để tránh hỏng hoa… rất vất vả, mà giá lại rớt giá thê thảm, người nông dân chỉ biết “khóc ròng”.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy quan hệ buôn bán nông sản giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Hiện xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá cao và là ngành xuất siêu. Bộ NN&PTNT đang cùng với các cơ quan chức năng của Trung Quốc thiết lập những kênh chính thức để giải quyết khó khăn và tạo điều kiện để các doanh nhân làm ăn theo đúng quy định luật pháp của hai nước. Việt Nam đã gia nhập WTO thì phải tuân thủ một thị trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Không chỉ hoa Đà Lạt bị hoa Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt, mà nhiều loại nông sản khác từ lâu đã bị hàng Trung Quốc chiếm lĩnh. Vấn đề đặt ra, Việt Nam phải thay đổi cách sản xuất, từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn để giảm giá thành, nâng cao chất lượng”

Giữa thời tiết se lạnh của những đêm cuối thu, những chiếc xe nặng trĩu hoa tươi vẫn tấp nập tìm một vị trí để đỗ xe. Kẻ mua người bán, vài câu mặc cả, rồi những bó hoa trăm bông bán với giá vài chục nghìn đồng. Những giọt mồ hôi của nhiều nông dân, chở xe hoa từ Mê Linh, Tây Tựu xuống Quảng Bá bán mỗi đêm, chỉ thu về được vài trăm nghìn đồng cả gốc lẫn lãi. Ngẫm mà thấy nông dân còn thua thiệt đủ đường

Quang Nam