Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, đến hết tháng 10 vừa qua, tổng số tiền doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước khoảng 14.650 tỷ đồng. Trong đó, hơn 4.160 tỷ đồng không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp trốn ra nước ngoài.

Ảnh internet.
Hỗ trợ hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội theo cơ chế đặc thù? Ảnh internet.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, chế tài xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe. Trong khi hàng tháng, người sử dụng lao động đều khấu trừ tiền lương của người lao động các khoản bảo hiểm, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng khoản này cho cơ quan bảo hiểm.

Hệ lụy là 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Điều nãy cũng đồng nghĩa từng ấy con người gặp khó khăn, không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con; Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất đi nhiều quyền lợi chính đáng khi xảy ra các rủi ro như tai nạn lao động, ốm đau, thôi việc hay nghỉ việc… Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là điều bất công khó chấp nhận, phải xử lý thỏa đáng, nghiêm minh những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, một trong những vấn đề được tổ chức Công đoàn đặc biệt quan tâm và mong muốn giải quyết dứt điểm là kiến nghị giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) của công nhân, người lao động, trọng tâm nhất là việc kiến nghị giải quyết quyền lợi cho 200.000 lao động bị nợ BHXH. Tình trạng lao động bị nợ đóng BHXH cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhóm người này. Hơn 200.000 người bị nợ BHXH sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội, khi về hưu họ không biết sẽ sống bằng gì, trông cậy vào đâu.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH và một số chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp FDI, dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH của người lao động lên đến hơn 200.000 người và kéo dài từ nhiều năm nay. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Người lao động tham gia BHXH nhưng không được giải quyết các chế độ ngắn hạn như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản và cũng không thực hiện được các chính sách giải quyết trợ cấp thất nghiệp, giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho họ.

Đây là vấn đề rất bức xúc, Chính phủ đã có ý kiến, Quốc hội cũng nêu nhiều lần. Mới đây, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng đã có ý kiến phải xử lý vấn đề này và cần phải sớm có giải pháp để giải quyết chế độ cho hơn 200.000 người lao động bị nợ đọng BHXH.

Hỗ trợ hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội theo cơ chế đặc thù? Ảnh internet.
Hỗ trợ hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội theo cơ chế đặc thù? Ảnh internet.

Theo đó, với trường hợp doanh nghiệp đã nộp vào quỹ BHXH rồi sau đó mới bị phá sản thì phải trả cho người lao động từ nguồn quỹ này. Còn với trường hợp người lao động đã nộp BHXH cho doanh nghiệp nhưng chủ sử dụng lao động lại “ăn chặn”, không nộp vào BHXH thì phải xem xét các trường hợp cụ thể để xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Luật bảo hiểm Việt Nam đã quy định vấn đề nợ, trốn đóng BHXH không giải quyết được quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động thì Chính phủ phải có phương án báo cáo để xử lý những vấn đề này. Có 02 phương án đặt ra, phương án thứ nhất là những người tham gia BHXH đã đóng cho chủ doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không đóng cho BHXH, dẫn đến người lao động không được thanh toán các chế độ BHXH kể cả ngắn hạn và dài hạn, thì cần có giải pháp tổng hợp để giải quyết chính sách cho người lao động. Phương án thứ hai, có thể dùng quỹ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hoặc có thể lấy ngay trong quỹ bảo hiểm xã hội bởi quỹ thất nghiệp đang còn tồn dư rất nhiều”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Nhà nước phải có giải pháp để giúp người lao động vì chủ sở hữu lao động đã bỏ trốn, không còn ai để lo cho người lao động. Theo tôi, phải có danh sách cụ thể của 200.000 trường hợp lao động này. Cần chốt số, chốt năm, chốt ngày, chốt tháng, chốt số năm đóng BHXH của họ và mức đóng như thế nào, như vậy mới có căn cứ để giải quyết được. Phải tập trung xử lý dứt điểm cho người lao động, không nên để kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.

Về tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động, ông Lợi cho rằng, các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp có quan hệ lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà không đóng BHXH cho người lao động thì cần phải có chế tài xử lý những doanh nghiệp này một cách nghiêm minh, dứt khoát.

“BHXH bắt buộc là phải xử lý theo pháp luật nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình sản xuất, đóng 14% BHXH, Nhà nước đã hỗ trợ 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đóng thuế. Được hỗ trợ như vậy thì doanh nghiệp phải thấy được trách nhiệm của mình. Nếu không xử lý một cách nghiêm minh thì tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH sẽ trở thành vấn nạn muôn thuở. Với nút thắt như thế này thì chúng ta không thể có chính sách xã hội, BHXH toàn dân được và cũng không thể đảm bảo an sinh xã hội cho người dân được. Đây là điều rất bức xúc hiện nay và nó cản trở động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Xuân Hải (t/h)