Nghị quyết 105 có tính hiệu quả cao

Trong vòng xoáy của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ. Tính đến ngày 23/9/2021, Việt Nam đã có gần 720 ngàn ca nhiễm với 17,8 nghìn người tử vong do dịch COVID-19.

Những số liệu do Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây cũng đã cho thấy tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2021 đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%.

Riêng trong tháng 8/2021, khoảng thời gian nhiều tỉnh thành phố phải áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất để chống dịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanhh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Đã có 85,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người dân, gần đây Nhà nước đã có một loạt các điều chỉnh chính sách quan trọng. Đáng chú ý trong các văn bản chính sách mới ban hành gần đây là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cộng đồng kinh doanh đang kỳ vọng vào những giải pháp cụ thể được nêu trong Nghị quyết về sự tiếp tục đồng hành của Chính phủ với các thành phần của nền kinh tế trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc để tập trung nguồn lực khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh, việc làm cho người lao động.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc khảo sát về đánh giá của cộng đồng kinh doanh đối với Nghị quyết 105/NQ/CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo khảo sát của VCCI, dù Nghị quyết 105 mới chỉ được ban hành vào ngày 09/9/2021, nhưng tính tới thời điểm tiến hành khảo sát từ ngày 17 đến 23/9/2021, đã có 91,5% hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) và Liên minh Hợp tác xã (HTX) biết đến Nghị quyết này. Kết quả khảo sát cho thấy đánh giá của các HHDN và Liên minh HTX là khá tích cực.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của Nghị quyết 105/NQ/CP (Ảnh minh họa)
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của Nghị quyết 105/NQ/CP (Ảnh minh họa).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy đánh giá của các HHDN và Liên minh HTX là khá tích cực. Theo đó, 92% HHDN và Liên minh HTX đồng ý về quan điểm về “chống dịch” và “phát triển kinh tế” trong Nghị quyết là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. 77% các tổ chức tham gia khảo sát đánh giá Nghị quyết 105 đã xác định chính xác, đầy đủ các khó khăn của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong thời gian vừa qua. 81% HHDN và Liên minh HTX cho biết các chính sách hỗ trợ DN-HTX-HKD tại Nghị quyết là kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Đánh giá về 3 mục tiêu, mà Nghị quyết 105 đã đặt ra, theo khảo sát, có 89% HHDN và liên minh HTX nhận thấy “Các mục tiêu là phù hợp với thực tiễn và có khả năng hỗ trợ/tháo gỡ vướng mắc hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh”. Các HHDN và liên minh HTX tương đối thận trọng khi đánh giá tính khả thi của Nghị quyết này, với 70% đồng ý với nhận định “Các mục tiêu này là khả thi, có thể đạt được kết quả với mốc thời gian đề ra.

Đánh giá về các nhiệm vụ, giải pháp, khảo sát cho thấy đa số HHDN, Liên minh HTX đồng ý với nhận định “Những nhiệm vụ giải pháp đã nêu có phù hợp với thực tiễn và có khả năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh”. Phần đa cũng đánh giá “Nghị quyết đã xác định rõ ràng, cụ thể về các giải pháp hỗ trợ cũng như nhiệm vụ của các Cơ quan quản lý nhà nước”, “các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết là toàn diện, có thể bao quát xử lý được các khó khăn vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ của các DN-HTX-HKD trong giai đoạn hiện nay”.

Đánh giá chung về Nghị quyết 105, phần lớn các HHDN và Liên minh HTX đồng ý với nhận định “Các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh một cách hiệu quả.

Kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi

Theo VCCI, hầu hết các HHDN và liên minh HTX nhận định chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là tốt nhưng thực tế khi các Bộ ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thì thủ tục để nhận thụ hưởng trở nên rắc rối và phức tạp. Điều này khiến các gói hỗ trợ chưa thực sự tiếp cận được đến nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chính vì vậy, các HHDN và liên minh HTX cho rằng các chính sách và quy định được đưa ra nên hướng tới giảm thiểu quy định về yêu cầu chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các chính sách cũng cần xác định rõ thời gian và lộ trình mở cửa nền kinh tế và có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là tại các cấp địa phương trong triển khai các chính sách hỗ trợ chưa đủ tốt. Cần giải pháp từ Chính phủ trong việc kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất chung đối với các bộ ngành và địa phương, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng chi phí, tăng giá thành. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cuối cùng, các HHDN và liên minh HTX kiến nghị Chính phủ cũng cần có chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về các chính sách trong quá trình thực hiện để kịp thời xử lý các bất cập trong các chính sách, quy định. Đối với những những chính sách chậm triển khai hoặc chưa phù hợp Chính phủ cần sớm xem xét, chỉ đạo kịp thời và điều chỉnh quy định phù hợp với tình hình để hỗ trợ nền kinh tế mà trọng tâm là vực dậy khu vực doanh nghiệp, HTX mà vẫn đồng thời đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch.

Hưng Khánh