Công nhân thi công, sửa chữa điện
Công nhân thi công, sửa chữa điện "nóng”.

Ông Đỗ Quốc Long, Giám đốc PC Bắc Ninh cho biếtt, thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã tuyển lựa những công nhân lành nghề, gửi đi đào tạo, huấn luyện. Đồng thời, tiếp nhận, mua sắm các trang thiết bị và thành lập Đội sửa chữa điện "nóng” trực thuộc Công ty. Năm 2023, Đội sửa chữa hotline PC Bắc Ninh đã thực hiện 558 phiên sửa chữa; trong 3 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện 135 phiên.

Do tính chất đặc thù nên việc tuyển chọn công nhân làm nhiệm vụ sửa chữa điện "nóng” hết sức khắt khe. Trước hết, người được tuyển chọn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lắp đặt, vận hành, sửa chữa điện trung thế không mang điện; đảm bảo sức khỏe tốt, chiều cao tối thiểu 165cm, cân nặng nhỏ hơn 1/3 số đo chiều cao; có tính kỷ luật và tinh thần làm việc theo nhóm; đặc biệt là đức tính tỉ mỉ, cẩn trọng, nghiêm túc, có khả năng chịu được cường độ làm việc cao trong điều kiện nguy hiểm... Ngoài ra, trong thời gian đào tạo, huấn luyện, phải vượt qua rất nhiều kỳ kiểm tra, sát hạch và được cấp chứng chỉ.

Đội sữa chữa điện nóng chuẩn bị các phương tiện, trạng thiết bị kỹ thuật trước khi thi công.
Đội sữa chữa điện nóng chuẩn bị các phương tiện, trạng thiết bị kỹ thuật trước khi thi công.

Về phương tiện kỹ thuật, các gói thiết bị sửa chữa điện hotline có giá thành rất cao, bao gồm xe chuyên dụng và các phương tiện, dụng cụ bảo hộ bằng chất liệu cách điện đặc biệt, phù hợp với cấp điện áp (cao nhất lên tới 22 KVA).

Trang thiết bị, phương tiện bảo hộ là rất cần thiết trong suốt quá trình thi công chữa điện "nóng”, song việc tuân thủ quy trình, ý thức trách nhiệm của người thợ luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải trong điều kiện ban ngày, trời tạnh, độ ẩm không khí dưới 80%, gió dưới cấp IV.

Đặc biệt, quá trình thao tác phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm an toàn điện và các quy trình đối với việc sửa chữa điện "nóng”; tuyệt đối không được để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất.

Ngoài ra, trong suốt quá trình làm việc, luôn có một người làm công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, một công nhân có chức danh "người giám sát an toàn” thực hiện việc giám sát trong suốt quá trình thi công.

Các bước thi công đều được ghi hình và gửi về các cấp có thẩm quyền giám sát và phê duyệt (chỉ khi nào được phê duyệt mới triển khai bước tiếp theo).

Bá Đoàn