Tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 40/2014/CT-TW của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, những kết quả đạt được cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp hàng triệu người dân thoát nghèo.
Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 40/2014/CT-TW của Ban Bí thư khoá XI
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 90 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 69,6%) so với trước khi có Chỉ thị. Ngân hàng đã giải ngân 337 nghìn tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Qua đó, góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách...
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Chỉ thị 40 là một trong những trụ cột quan trọng, là chính sách đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, là đòn bẩy kinh tế. Nhờ đó, số người nghèo giảm nhanh, từng bước ngăn chặn tín dụng đen ở nông thôn. Tín dụng chính sách góp phần đưa Việt Nam thành hình mẫu giảm nghèo trên thế giới.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả thời gian tới, ông Trần Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị thực hiện mở rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Bảo Lâm