Theo đó, Đoàn thanh tra triển khai thanh tra đột xuất Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đất đai, đầu tư, xây dựng; quản lý tiền thuê đất của các nhà đầu tư thứ cấp.

Công ty Xi măng Phúc Sơn tại Thị xã Kinh môn
Công ty Xi măng Phúc Sơn tại Thị xã Kinh môn

Theo kế hoạch sắp xếp đến hết năm 2025, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu phải thực hiện cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ dự kiến dưới 50%. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang vướng mắc về chi phí xây dựng khoảng 468,4 tỷ đồng được bàn giao về tỉnh Hải Dương quản lý nhưng không đầy đủ hồ sơ để quyết toán các hạng mục, công trình. Còn 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam không nộp tiền thuê đất, thuê hạ tầng và không thực hiện thanh lý tài sản…

Tại Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương, Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, sự phù hợp trong quy hoạch sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp đang sử dụng; làm rõ trách nhiệm việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước trong việc sử dụng tài sản công. Hiện Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương phải thoái hết vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên do tồn tại các nhóm tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn Nhà nước đầu tư chưa được xử lý nên doanh nghiệp vẫn chưa thoái vốn.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, Đoàn thanh tra cũng triển khai thanh tra tổng thể về đất đai, khoáng sản, tình hình tài chính và tài sản của Công ty Xi măng Phúc Sơn. Trên cơ sở kết luận thanh tra sẽ xây dựng kế hoạch, phương án thoái vốn Nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2023, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này gần 860 tỷ đồng. Hiện tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty rất khó khăn, lao động bị cắt giảm, thua lỗ triền miên. Doanh nghiệp có dấu hiệu mất cân bằng tài chính, không bảo toàn được vốn.

Bùi Tú